Khẩn cấp cứu nông sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương và 9 tỉnh tìm giải pháp ứng phó với tình trạng xuất khẩu nông sản đang bị đình trệ do dịch nCoV

Chiều 3-2, tại TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đã chủ trì hội nghị "Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh do virus corona".

Tạm dừng mọi thương thảo

Tham dự có lãnh đạo nhiều bộ, ngành, lãnh đạo 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, 3 tỉnh sản xuất thanh long, dưa hấu lớn gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và hiệp hội các ngành hàng để bàn các giải pháp ứng phó.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra đang trở thành loại bệnh cực kỳ nguy hiểm với tính mạng con người và kinh tế toàn cầu. Năm Canh Tý 2020 nhuận 2 tháng 4, rét và mưa chậm hết, phù hợp cho virus phát triển. Do đó, đây là tương lai ảm đạm cho kinh tế toàn cầu.

Hơn 300 xe container chở nông sản từ các tỉnh đang bị ùn ứ tại tỉnh Lạng Sơn vì phía Trung Quốc chưa mở cửa các chợ ở khu vực biên giới

Hơn 300 xe container chở nông sản từ các tỉnh đang bị ùn ứ tại tỉnh Lạng Sơn vì phía Trung Quốc chưa mở cửa các chợ ở khu vực biên giới

Theo bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất. Ví dụ như mặt hàng thanh long, dưa hấu. Mặt khác, nCoV cũng gây tổn thương đến đầu tư. "Tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên tạm dừng lại, ví dụ, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại chưa biết thế nào" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Báo cáo về tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch nCoV, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo dịch nCoV sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

Cụ thể, xuất khẩu nông sản dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỉ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết nguyên đán và lễ sau Tết. Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng giêng, tại tỉnh Long An, lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8 đến 28-2, thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Nhưng hầu hết đều xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam; do lịch nghỉ Tết của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp bảo đảm công tác phòng chống dịch nCoV được triển khai từ cả hai phía.

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 10-2019, sẽ gặp nhiều khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch nCoV.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, phía Trung Quốc sẽ đóng cửa chợ biên giới đến ngày 9-2. Việc đóng cửa chợ biên giới khiến việc trao đổi cư dân gián đoạn, đây là hình thức trao đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới. Bên cạnh đó, cũng đề nghị một số doanh nghiệp (DN) logistics hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới. "Chúng tôi cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều" - ông Khánh thông tin.

Nên ngừng đưa hàng lên Lạng Sơn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết từ mùng 1 Tết đến nay, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã đóng 9 cặp chợ biên giới từ ngày 31-1 đến 8-2. "Nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn" - ông Trưởng cho hay.

Điều đáng nói, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hàng thanh long từ miền Nam vẫn đang tiếp tục được đưa lên. "Chúng tôi khuyến cáo DN, hiệp hội hạn chế đưa xe lên Lạng Sơn thời điểm này, tìm giải pháp tiêu thụ khác trong nội địa, bởi có đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí" - ông Trưởng nói.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết đã giao Sở Công Thương tỉnh này thông tin đến các địa phương trên cả nước để hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu trong giai đoạn này. Dự kiến sáng 4-2, Lạng Sơn tổ chức họp tìm cách tháo gỡ nông sản ùn ứ ở biên giới. "Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận liệu có mở cửa các chợ vào 15 tháng giêng nên DN vẫn cần thận trọng" - ông Trưởng cho biết.

Còn ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết hiện diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587 ha (trên tổng số 11.826 ha) với sản lượng 320.000 tấn. Từ tháng 1 đến cuối tháng 2, còn khoảng 30.000 tấn - trong đó 20.000 tấn đang tồn kho và cuối tháng 2 thu hoạch 28.000 tấn. Lâu nay thu mua thanh long của Long An chủ yếu là khách Trung Quốc, giá cả cũng do họ quyết định. Trong khi hợp đồng với nông dân lại không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro, do bán qua thương lái. Thị trường chủ yếu bán qua Trung Quốc với 75%, còn 25% Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. "Long An đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này" - ông Cảnh kiến nghị.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn người dân đồng hành, chia sẻ và cùng ứng phó cả trước mắt và lâu dài. Trong thời gian tới, người dân và các DN cần sản xuất có trách nhiệm và tìm ra nhiều cơ hội, giải pháp như: tăng cường trữ trong kho lạnh, tăng chế biến… và coi đó là áp lực để tái cơ cấu, mở cửa thị trường.

Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng, trước hết là nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Như ở Long An, nông dân không nên kích thích ra hoa trái vụ. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực do mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…

"Điều quan trọng nhất là các địa phương phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như ở Sơn La, đã thành lập rất nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, dù không khóc vì nCoV thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác. Còn trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ cùng họp bàn, tìm giải pháp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho nông dân" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Big C cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (chủ hệ thống Big C), cho biết hiện Big C có 37 siêu thị ở 22 tỉnh, thành phố, hằng ngày tiêu thụ một lượng nông sản tương đối lớn. Trước ảnh hưởng của dịch nCoV đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, Big C cam kết hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. "Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, Big C kiến nghị Bộ NN-PTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để Big C lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, hỗ trợ tối đa cho nông dân" - bà Phương nói.

Bình Thuận tự cứu thanh long

Theo các chủ vườn thanh long ở Bình Thuận, hiện giá bán loại nông sản này chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg đối với vườn có tỉ lệ trái đẹp từ 70% trở lên. Với những vườn khác, giá bán còn thấp hơn nhiều.

Theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, trước mắt, hiệp hội sẽ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và xúc tiến mở rộng thị trường sang các nước ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, giải pháp tăng cường kho lạnh hay đa dạng hóa các sản phẩm chế biến thanh long tại chỗ thay vì xuất trái tươi cũng đang được tính đến.

Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các tập đoàn lớn đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cũng như hướng đến việc chuyển sang chế biến khô trái thanh long. Tại Bình Thuận, sở sẽ làm việc với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc nâng cao chất lượng trái thanh long để xuất khẩu đi thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Việt Khánh

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/khan-cap-cuu-nong-san-20200203212203668.htm