KHẨN CẤP ỨNG PHÓ SIÊU BÃO: Cô Tô, Quảng Ninh GIỚI NGHIÊM từ 20.00' ngày 6/9
Ngay sau khi nhận được thông tin về cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Cô Tô: Yêu cầu thực hiện giới nghiêm từ 20 giờ, ngày 6/9
Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Cô Tô ban hành Lệnh giới nghiêm tại các địa phương cấp xã trên địa bàn huyện. Thời gian giới nghiêm từ 20 giờ, ngày 6/9 cho đến khi bão tan.
Hiện nay, huyện Cô Tô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão theo phương châm “Bốn tại chỗ”; rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án phòng, chống bão và phương án di chuyển nhân dân tới nơi an toàn.
Trước 16h00’ ngày 6/9, huyện đã tổ chức sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; rà soát các hộ gia đình có nhà ở không đảm bảo an toàn, có nguy cơ sụp đổ để bố trí nơi tránh trú, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu và hoàn thành sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các xã, thị trấn cũng phân công cán bộ trực, kiểm soát tại các điểm sơ tán, tránh trú bão tập trung; phân công lãnh đạo, cán bộ xã và các đơn vị lực lượng vũ trang phụ trách từng thôn, xóm.
Huyện cũng yêu cầu các thôn, khu tiếp tục rà soát từng hộ dân, số nhân khẩu đang sinh sống tại căn nhà cấp 4; kiên quyết di dời 100% nhân khẩu tại những hộ dân này đến những căn nhà kiên cố, an toàn; hoàn thành trước 20 giờ ngày 6/9.
Cùng với đó, Cô Tô cũng xây dựng, ban hành phương án trưng dụng các khách sạn, trường học, trụ sở các cơ quan kiên cố để bố trí làm nơi ở tạm thời cho nhân dân trong thời gian bão đổ bộ, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các điều kiện sinh hoạt của nhân dân, quyết tâm không để thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Tập trung cao độ, khẩn trương ứng phó bão số 3 với tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người”
Từ ngày 03/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI), ngày 4/9 ban hành văn bản số 2566/UBND-VHXH về việc tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 - 2025 đảm bảo an toàn trước diễn biến của bão số 3 (Yagi), chiều 5/9 ban hành văn bản hỏa tốc Số:l 2589 /UBND-KTTC về việc tập trung ứng phó bão số 3 năm 2024 (YAGI).
Toàn tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”.
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão.
Tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của cơn bão số 3 và tổ chức thực hiện di dời vào khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn.
Chủ động, khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu (đê kè biển, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản...), vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn.
Kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.
Khắc phục nhanh hậu quả do bão và hình thái mưa sau bão gây ra khi có tình huống nảy sinh nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, thiên tai.
Các đơn vị, địa phương đã tập trung cao độ phân công lực lượng phòng tránh bão; chủ động theo dõi các kênh dự báo diễn biến hướng di chuyển của cơn bão để tuyên truyền, khuyến cáo du khách, ngư dân tìm nơi tránh trú bão. Các lực lượng chức năng tăng cường kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn…
Điển hình như TP Hạ Long đã bố trí lực lượng tại chỗ trên địa bàn 33 xã phường 1.000 người và 600 người của các lực lượng hiệp đồng như: Lực lượng vũ trang, các đơn vị ngành than, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn... theo Phương án phòng, chống thiên tai và các nội dung Hiệp đồng đã ký kết.
Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã sẵn sàng huy động các loại vật tư và gần 100 phương tiện, máy móc, thiết bị để triển khai phương án Hiệp đồng, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã điều động hơn 100 lượt phương tiện, gần 400 cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập úng, giúp đỡ nhân dân gia cố, chằng, chống nhà cửa, chằng buộc ô, lồng bè trên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển đảo.
Đến chiều ngày 5/9, toàn bộ chủ phương tiện và ngư dân hoạt động trên địa bàn Biên phòng đã nhận được thông tin về cơn bão; trên 3.200 phương tiện với gần 6.000 người đã về bờ để tránh trú bão.
Huy động gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ khẩn cấp chống bão số 3
Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, Quảng Ninh đã chỉ đạo tất cả các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Trong đó, đã huy động gần 2.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ứng trực tại các địa bàn được phân công.
Các lực lượng chức năng đã kêu gọi gần 5.600 tàu thuyền về các khu vực neo đậu tránh trú bão.
Khoảng gần 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển với gần 3.000 lao động đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ ngày 4/9. Các biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các tuyến giao thông cũng đã được triển khai.
Cấm biển từ 11h ngày 6/9; trước 16h hoàn thành di dời dân về nơi an toàn
Dự kiến, tỉnh sẽ thực hiện cấm biển từ 11 giờ ngày 6/9/2024, trước 16h00 ngày 6/9/2024 hoàng thành việc di dời người dân (ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ) ở các khu nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn; tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ; tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, xong trước 16h00 ngày 6/9/2024.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND các thành phố, huyện và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các kiện để chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của siêu bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (YAGI), thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, tối ngày 5/9, Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn, cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi khi có mưa bão trên biển.
Theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, các đồn biên phòng Cô Tô, Ngọc Vừng cũng đã chủ động bắn pháo hiệu cảnh báo bão số 3 (YAGI) theo quy định.
Không còn phương tiện và ngư dân nằm trong khu vực nguy hiểm của bão số 3
Chiều ngày 5/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã có báo cáo nhanh tình hình triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 3 hiện đang di chuyển vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các Đồn Biên phòng trong tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động triển khai ứng phó.
Các đơn vị Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã bố trí lực lượng thường trực cơ động gồm 220 người, với 2 tàu, 12 xe ô tô, 10 xuồng cao tốc sẵn sàng tham gia ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn khi xảy ra tình huống xấu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyến biển tiếp tục sử dụng thông tin tìm kiếm cứu nạn thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết về diễn biến, hướng di chuyển của cơn bão số 3 để khẩn trương di chuyển tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Theo Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, đến cuối ngày 5/9, tất cả 7.464 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, với 14.246 lao động đã vào bến neo đậu tránh trú bão; 1.358 lao động trên 2.230 ô, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đã vào bờ an toàn.
Hiện không còn phương tiện và ngư dân hoạt động trên biển nằm trong khu vực nguy hiểm.