Khán giả bất ngờ với những màn diễn 'Chuyến tàu huyền thoại'

Chương trình nghệ thuật 'Dòng sông kể chuyện mùa' 2 - 'Chuyến tàu huyền thoại' khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 thu hút 10.000 người tham dự trực tiếp và rất nhiều khán giả theo dõi trực tuyến trên các kênh truyền hình, mạng xã hội và truyền thông.

Đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại”

Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” chính thức diễn ra tối 31/5 tại Cảng Sài Gòn.

Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện mùa" 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024. Ảnh: BTC

Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện mùa" 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024. Ảnh: BTC

Chương trình do UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức, Newday Media thực hiện.

Trong khoảng thời gian gần 90 phút, “Chuyến tàu huyền thoại” đã kể câu chuyện lịch sử cận đại, diễn ra trên dòng sông Sài Gòn thông qua 5 chương.

Chương trình do nữ đạo diễn Lê Hải Yến - “người kể chuyện bằng trái tim” viết kịch bản và Tổng đạo diễn, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Hình ảnh mô phỏng con tàu đầu tiên do người Việt đóng ở thời Nguyễn được hạ thủy.

Hình ảnh mô phỏng con tàu đầu tiên do người Việt đóng ở thời Nguyễn được hạ thủy.

Hình ảnh công xưởng Ba Son được tái hiện sống động.

Hình ảnh công xưởng Ba Son được tái hiện sống động.

Hinh ảnh mãn nhãn con tàu gương buồm ra khơi trên sân khấu.

Hinh ảnh mãn nhãn con tàu gương buồm ra khơi trên sân khấu.

Trong đó, có nhiều màn trình diễn gây kinh ngạc, sửng sốt lần đầu tiên khán giả được chứng kiến. Và đúng như biệt danh được đặt là “Người kể chuyện bằng trái tim”, câu chuyện của Tổng đạo diễn Lê Hải Yến viết nên ở “Chuyến tàu huyền thoại” bắt đầu từ lời kể của 2 nhân vật ông (do “ông già Nam bộ” - NSƯT Mạnh Dung đảm trách) và cháu (bé Gia Huy đóng), thể hiện sự tiếp nối các thế hệ.

Ông già Nam bộ do NSƯT Mạnh Dung đảm trách và cháu (bé Gia Huy đóng), thể hiện sự tiếp nối các thế hệ.

Ông già Nam bộ do NSƯT Mạnh Dung đảm trách và cháu (bé Gia Huy đóng), thể hiện sự tiếp nối các thế hệ.

Bằng cách trả lời những câu hỏi của cháu, người ông đã kể và dẫn dắt người cháu, cùng khán giả bước vào từng câu chuyện của những chuyến tàu đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại của dân tộc.

Clip trích đoạn về nhà cách mạng Tôn Đức Thắng kêu gọi nổi dậy bãi công ở công xưởng đóng tàu Ba Son:

Chương 1 “Hạ thủy” đã tái hiện quá trình đóng và hạ thủy những chiếc thuyền đầu tiên từ triều Nguyễn, đánh dấu sự khởi đầu của ngành đóng tàu tại Việt Nam.

Chương 2 “Cập bến” mô tả cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son năm 1925, do nhà cách mạng Tôn Đức Thắng lãnh đạo, phản đối sửa chữa tàu Jules Michelet của Pháp nhằm đàn áp cách mạng Trung Quốc, phản ánh tinh thần yêu nước và đấu tranh cho lý tưởng của người lao động Việt Nam.

Clip trích đoạn chương 3 "Ra khơi" về chuyến tàu đưa Bác Hồ đi tìm đường cứu nước:

Chương 3 “Ra khơi” là câu chuyện về chuyến tàu lớn nhất, chuyến tàu gắn với vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam năm xưa đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Giữa cuộc sống nhộn nhịp vội vã nơi bến cảng, anh Ba (bí danh của Nguyễn Tất Thành) nhiều suy tư trăn trở khi chứng kiến cảnh cuộc sống lầm than vất vả của người dân Việt Nam, phía sau con tàu Amiral Latouche Treville từ từ tiến vào. Anh Ba gặp anh Lê, chia sẻ ý định muốn đi sang Pháp rồi các nước khác để học hỏi và sau đó sẽ trở về giúp đồng bào mình.

Có thể nói, vai diễn anh Ba do NSƯT Tuấn Lin đảm nhận cùng cách dàn dựng công phu, chân thật, thấm đẫm tính lịch sử của chương này như đưa khán giả trở về với chuyến tàu huyền thoại đưa Bác ra đi tìm đường cứu nước năm xưa, thấy rõ hơn được những gian lao, nhọc nhằn cũng như ý chí quyết liệt của người thanh niên Nguyễn Tất Thành năm ấy.

Chương 4 “Dậy sóng” tái hiện các trận đánh trên sông của các chiến sĩ đặc công trong khu vực Rừng Sác thời kỳ chiến tranh, thể hiện sự kiên cường, mưu trí của quân và dân trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược. Trong những trận đánh tàu dậy sóng cả dòng sông, có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống hy sinh anh dũng, đem tới bình yên cho muôn nhà.

Chương 5 “Vươn xa” là sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực vận tải biển, cho thấy sự vươn xa của thương hiệu và trí tuệ Việt ra toàn cầu. Đó là dòng sông Sài Gòn văn minh hiện đại, công viên bờ sông với bến du thuyền, hình ảnh những cây cầu, thành phố bên sông… Đó là ước mơ của thế hệ trẻ hôm nay, luôn đoàn kết một lòng cùng đứng lên dựng xây quê hương, cùng vươn cao, vươn xa, cùng thực hiện hóa khát vọng sánh vai cùng các cường quốc năm châu của Bác kể từ ngày Người bước chân lên chuyến tàu huyền thoại năm xưa từ Bến Nhà Rồng.

Nhiều điểm nhấn gây bất ngờ

“Dòng sông kể chuyện” mùa 2 - “Chuyến tàu huyền thoại” có những màn trình diễn cao trào với đại cảnh hàng ngàn diễn viên tham gia, đồng thời có nhiều điểm nhấn chiều sâu cảm xúc, xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, khai thác từ những câu chuyện lịch sử và giai thoại về những nhân vật lịch sử trong các bối cảnh lịch sử trọng đại.

Những màn trình diễn nhạc kịch kết hợp cùng công nghệ hấp dẫn khán giả. Ảnh: BTC

Những màn trình diễn nhạc kịch kết hợp cùng công nghệ hấp dẫn khán giả. Ảnh: BTC

Đó là hoạt cảnh gắn với những chuyến tàu đặc biệt, như nhà cách mạng Tôn Đức Thắng vận động công nhân tại xưởng đóng tàu Ba Son bãi công, đòi tăng lương, trì hoãn sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp…

Đó là cuộc nói chuyện từ đôi bàn tay "Đây, tiền đây" của anh Ba và anh Lê trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Đó là chuyến tàu Sông Hương nối liền hai miền Nam - Bắc năm 1975 với niềm vui niềm hạnh phúc vỡ òa, xen lẫn niềm khắc khoải chờ đợi nhưng người không trở về. Đó là cuộc sống Sài Gòn hôm nay, với sự phát triển, sôi động của thành phố tự hào mang tên Bác - TP Hồ Chí Minh…

Vở đại nhạc kịch với sự kết hợp các yếu tố sân khấu hiện đại, tối tân vừa mang tính trình diễn nghệ thuật cao, vừa cho người xem hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện lịch sử của TP Hồ Chí Minh, của đất nước dễ hiểu, dễ ghi nhớ và lay động trái tim mỗi người.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và ekip của mình là đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam, Giám đốc âm nhạc Đức Trí, Tổng biên đạo Tấn Lộc đã giải “bài toán khó” đã đưa nhạc kịch ra không gian rộng lớn theo kiểu lễ hội.

Thủ pháp sân khấu kể cả ước lệ và công nghệ đều được ekip sử dụng tối đa để khán giả có thể nhận thấy, cảm thấy từ mọi góc nhìn. Sân khấu rộng lớn cả ngàn m2 diễn ra trên bến cảng, bối cảnh chuyển động liên tục với những đạo cụ không chỉ lớn về kích thước như những con tàu như tàu thật, những container như thật, các loại máy móc mô phỏng máy đóng tàu… khiến người xem bất ngờ.

Clip trích đoạn các chiến sĩ đặc công rừng Sác đánh bom làm chìm tàu địch được tái hiện trên sông Sài Gòn:

Đặc biệt, phần tái hiện chiến công đánh chìm tàu địch của các chiến sĩ đặc công rừng Sác gây ấn tượng lớn. Tại đây, cảnh “đánh chìm” một con tàu (mô hình) trên sông bằng hiệu ứng cháy nổ thật. Sau hiệu ứng cháy nổ, trên mặt sông Sài Gòn là hình ảnh một con tàu đã bị đánh chìm một nửa và bốc cháy. Khán giả đã rất sửng sốt và vỗ tay không ngừng cho phần trình diễn này đồng thời tự hào hơn về sự anh dũng, mưu trí của cha anh trong chiến đấu.

Cùng với việc phối khí làm mới những bài hát cách mạng quen thuộc, nhạc sĩ Đức Trí còn viết thêm một số bài mới theo phong cách nhạc kịch để dàn dựng vở diễn với sự tham gia của dàn nghệ sĩ đông đảo cùng dàn hợp xướng hàng trăm người tham gia. Các bài hát “Quốc tế ca” (Sáng tác: Eugène Pottier), kết hợp các bài “Thành phố trẻ”,“Rock Sài Gòn” (Sáng tác: NS Trần Tiến - NS Lâm Quốc Cường), “Đến với con người Việt Nam tôi” (NS Xuân Nghĩa), “Tôi yêu Việt Nam” (Sáng tác: NS Vy Nhật Tảo)… được nhạc sĩ Đức Trí phối khí theo phong cách nhạc kịch, nhạc phim… mới mẻ, hào hùng, lôi cuốn người nghe.

Với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, diễn viên quần chúng từ em bé 5 tuổi đến người cao niên 86 tuổi, Tổng biên đạo Tấn Lộc đã góp phần gây ấn tượng khi liên tục “biến hóa” qua mỗi phần trình diễn. Anh sử dụng nhiều loại hình về biểu diễn trong múa như múa đương đại, jazz, hiphop, ballet… để thể hiện đầy sinh động, chân thực và sáng tạo các nội dung trong chương trình.

Ngoài ra, chương trình còn sử dụng ngôn ngữ xiếc, động tác thủ ngữ của người khiếm thính… để có những màn biểu diễn hấp dẫn và xúc động. Đây là thành quả của chuỗi ngày dài tập luyện xuyên đêm của các nghệ sĩ, diễn viên và ekip bất kể mưa nắng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên một chương trình lễ hội thiết kế mới đến 3.000 bộ trang phục cho hơn 1.000 diễn viên, với yêu cầu khắt khe là phải bám sát yếu tố lịch sử, đúng với bối cảnh lịch sử nhưng vẫn có tính đương đại, tính sân khấu, đẹp mắt là một sự cộng hưởng hoàn hảo để mỗi chương, mỗi màn đều vô cùng chỉn chu, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình, ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả.

Phần cuối chương trình là bữa tiệc ánh sáng cực kỳ đặc sắc trên sông Sài Gòn, thắp sáng bầu trời TP Hồ Chí Minh với hàng ngàn thiết bị điều khiển từ xa drone xếp thành hình ảnh lá cờ Việt Nam rực rỡ, xếp thành những con tàu, những biểu tượng của Thành phố… thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng của TP Hồ Chí Minh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung cùng hướng về Tổ quốc.

Clip ca sĩ Noo Phước Thịnh trình bày bài hát "Tôi Yêu Việt Nam":

Chương trình biểu diễn “Chuyến tàu huyền thoại” không chỉ là một sự kiện văn hóa - giải trí đặc sắc, mà còn được xem là một mẫu hình sống động về một chương trình lịch sử và văn hóa Việt Nam, qua đó tôn vinh các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời đại mới.

Chia sẻ sau thành công của chương trình, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết: “Chúng tôi đã gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện và trước khi chương trình diễn ra, trời mưa to gió lớn. Với đại kịch bản quá nhiều chương, màn, cảnh, chúng tôi nỗ lực thực hiện mọi thứ trong sự tính toán cực kỳ khoa học. Và quả thực là những ngày qua chúng tôi đã làm việc với 500% sức lực. Thật tuyệt vời là hôm nay chúng tôi đã được ủng hộ bởi các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng ê kíp thực hiện chương trình của mình.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng ê kíp thực hiện chương trình của mình.

Hôm nay, mọi người đều tập trung, diễn viên diễn rất tốt và đặc biệt chúng tôi thực hiện những màn kỹ thuật cháy nổ thành công mà trong quá trình tập luyện chúng tôi chưa có điều kiện làm. Màn cháy nổ trên sông quá nhiều rủi ro và thách thức, hơn nữa, đó lại là cảnh chuyển động. Có quá nhiều cảnh chuyển động trên sông nước, rất khó, chúng tôi chưa luyện tập được nhiều nhưng hôm nay mọi thứ diễn ra gần như hoàn hảo.

Tôi hạnh phúc thực sự, vỡ òa vì một ước mơ tôi ấp ủ rất lâu đã trở thành hiện thực. Tôi mơ được kể về những nhân vật lịch sử vĩ đại. Tôi rất yêu và ngưỡng mộ những câu chuyện về Bác. Tôi muốn kể những câu chuyện đó đầy cảm xúc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ cũng yêu lịch sử như là mình đã yêu, đã ngấm vào trong máu. Tôi đã dành thời gian cả năm trời nghiên cứu lịch sử, viết kịch bản, tìm kiếm những thủ pháp, cách thức để kể câu chuyện đủ hấp dẫn vì đây là đề tài khó.

Tôi vô cùng biết ơn những đồng nghiệp đã đồng hành, dành tâm huyết thời gian quý báu của mình làm ngày làm đêm giúp tôi thực hiện giấc mơ này. Biết ơn họ cũng đã yêu giấc mơ này như giấc mơ của chính họ bởi đó là câu chuyện của chúng ta. Nó không còn là câu chuyện của TP Hồ Chí Minh, không còn là câu chuyện của dòng sông Sài Gòn, mà đó là câu chuyện của cả dân tộc, chúng ta tự hào vì ở nơi đây đã có rất nhiều những dấu mốc lịch sử lớn đã diễn ra".

Với “Người kể chuyện bằng trái tim” Lê Hải Yến, cùng với thành công của “Dòng sông kể chuyện mùa 1” hay các chương trình Lễ hội như vinh danh nghệ thuật Xòe Thái, đến Dòng sông kể chuyện mùa 2- “Chuyến tàu huyền thoại” đã thực sự đưa cô trở thành đạo diễn Lễ hội tiên phong trong xu hướng edu-tainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại. Ngồi trên hàng ghế khán giả có rất nhiều em nhỏ, các em vừa thích thú xem chương trình, vừa cùng nhau ôn lại những câu chuyện lịch sử từng học trong sách giáo khoa qua mỗi chương, đặc biệt là câu chuyện Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Bằng một trái tim đầy cảm xúc và nhiệt huyết, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã cùng ekip của mình khơi dậy tình yêu quê hương và tự tôn dân tộc luôn có sẵn trong mỗi con người Việt Nam. Lê Hải Yến đã phần nào hiện thực hóa được khao khát đưa những câu chuyện lịch sử trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch, để lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế thông qua các chương trình mình thực hiện mà tiêu biểu là series “Dòng sông kể chuyện”.

Minh Tuệ/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/khan-gia-bat-ngo-voi-nhung-man-dien-chuyen-tau-huyen-thoai-20240601160829872.htm