Khán giả phim 'Đi giữa trời rực rỡ' đang ảo tưởng quyền lực của mình?

Bộ phim 'Đi giữa trời rực rỡ' lấy bối cảnh cuộc sống người dân tộc miền núi đang thu hút sự chú ý của công chúng và gây ra những cuộc tranh luận về diễn xuất của các nhân vật chính Pu, Chải… cũng như việc lồng ghép văn hóa vùng miền.

Phim mà không có ai bình luận thì đó là một bộ phim tồi!

 Thu Hà Ceri trong vai Pu. Ảnh: SK

Thu Hà Ceri trong vai Pu. Ảnh: SK

Độc giả Phương Nga nhận xét khá gay gắt về nhân vật Pu do diễn viên Thu Hà Ceri đóng: “Chải đáng yêu bao nhiêu thì dần dần tôi mất cảm tình với Pu bấy nhiêu. Đành rằng cô bé này là một người có ý chí, ham học, có nhiều ước mơ nhưng Pu hiện lên trên phim không như tôi hình dung về những cô gái người dân tộc vùng cao. Pu quá sắc sảo, thậm chí khôn lỏi, thực dụng, điều này không chỉ tôi mà nhiều khán giả cũng thấy qua cách cô lợi dụng Chải hết lần này tới lần khác để đạt được mục đích của mình, nhưng sau đó 'phủi tay' khi đã lên thành phố”.

Bạn đọc Minh Nguyễn viết: “Bác rất thích cháu, ngoại trừ cháu đừng quá vênh váo và bắt nạt người mà mình biết ơn và chăm lo cho mình. Nếu cháu là một tiểu thư con nhà giàu ở thành phố đã đành, đằng này cháu là thiếu nữ dân tộc cần tiết chế và có thái độ dịu dàng hơn nhé. Ai mà xúc phạm cháu và gia đình cháu người đó không biết kiềm chế và nhận thức nông cạn”.

Trong khi đó, bạn Vỹ nguyễn minh đưa ra một góc nhìn khác: “Diễn viên phải đáng được khen vì diễn rất chuẩn theo kịch bản, vậy đáng trách ở đây là tác giả kịch bản và đạo diễn đã làm cho bộ phim Đi giữa trời rực rỡ thiếu tính chân thực và tính giáo dục”.

Bạn đọc tên Giang đánh giá gay gắt: “Việc diễn viên đóng phim bị thóa mạ là chuyện xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Diễn viên Trung Quốc đóng vai phản diện xong bị chửi suốt ngày mà họ có kêu ca gì đâu. Nếu đi đóng phim hãy học cách chấp nhận bị thóa mạ, đừng khóc lóc!”.

Tuy vậy, nhiều người gửi phản hồi về VietNamNet chung nhận định rằng: “Thu Hà Ceri nhập vai rất đạt, đúng như những gì kịch bản và đạo diễn mong muốn, hay dở tùy quan điểm mỗi người, đừng mạt sát diễn viên, kém văn minh lắm!”.

Gặp Chải ngoài đời tôi còn chê, huống hồ là Pu!

Nhân vật Chải trong phim.

Nhân vật Chải trong phim.

Ý kiến của bạn có nickname Annie khá thẳng thắn với những dẫn chứng cụ thể: “Nhiều bạn trẻ bây giờ (hoặc không còn trẻ lắm nhưng thiếu trải nghiệm) thích phán xét và thích chê bai ghê. Các bạn đã tiếp xúc với bao nhiêu người ngoài xã hội mà chê tính cách nhân vật?...

Tôi ít xem phim Việt, nhưng một số bộ phim của VTV dạo gần đây thấy các bạn diễn viên trẻ làm khá tốt vai diễn của mình (ví dụ như Hoàng Hà trong phim Chúng ta của 8 năm sau). Còn đối với Thu Hà Ceri - tôi không nghĩ là một cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng cao, còn là một người dân tộc thiểu số lại không hiểu rõ nhân vật Pu mà mình thể hiện được. Ai nói là gái dân tộc thì không được phép thông minh sắc sảo, suy nghĩ sâu sắc vậy? (H'Hen Niê không phải là một ví dụ quá chân thực hay sao?).

Nhưng con người có mấy ai là hoàn hảo, Pu vẫn có những thiếu sót mà khán giả xem truyền hình khó chấp nhận vì họ đang đặt quá nhiều kỳ vọng ở một nhân vật chính như em ấy. Trên hết, việc Pu từ chối Chải cũng chẳng có gì quá vô lý vì nam chính cũng không phải là chàng trai có quá nhiều ưu điểm (thậm chí là còn nhiều khuyết điểm: ngoại hình bình thường, tính cách trẻ trâu...), mà cho dù có hoàn hảo cũng chưa chắc phải là ‘gu’ của em ấy. Gặp Chải ngoài đời tôi còn chê, huống hồ là Pu”.

Quan điểm tích cực hơn, độc giả có số điện thoại 849393339... đánh giá: “Một bộ phim mà có nhiều bình luận chứng tỏ có rất nhiều người quan tâm, một phản biện dù là tiêu cực nó cũng như một liều thuốc giúp diễn viên nhìn ra chính mình ở đó, nếu khiếm khuyết thì hãy hoàn thiện, nếu họ khen hãy cảm ơn. Các diễn viên hãy nhớ nếu một bộ phim mà không có ai bình luận gì thì đó là một bộ phim tồi”.

Không nên lẫn lộn giữa phim và đời, không được kỳ thị vùng miền

Khẳng định “quyền của khán giả”, bạn Toan Nguyễn cho rằng: “Một bộ phim làm ra là dành cho khán giả. Khán giả có quyền khen và chê, thể hiện cảm nhận và suy nghĩ của mình về tình huống phim, về diễn viên và vai diễn của họ. Diễn viên là nghề làm dâu trăm họ nên các bạn phải chấp nhận tiếng chê đi đôi với lời khen. Tất nhiên, sự khen chê đều phải có giới hạn, đừng lẫn lộn giữa nhân vật và diễn viên”.

Cũng theo bạn Toan Nguyễn, nhằm lôi kéo khán giả các vùng miền khác nên đạo diễn cố nhồi vào hai nhân vật nói giọng miền Trung và miền Nam là Lê (Hoàng Khánh Ly) và Như (Yên Đan): “Tôi không rõ nhân vật Lê có nói chuẩn giọng quê mình hay không nhưng thấy thực sự khó nghe. Nhiều người miền Trung tôi biết lên Hà Nội học và làm việc thường có cách điều chỉnh thành giọng Hà Nội cho dễ giao tiếp. Trong khi Lê đã học đại học 4 năm ở Hà Nội rồi mà giọng vẫn đặc vùng miền, mỗi lúc cô này cất tiếng là tôi phải căng tai nghe và luận xem nhân vật nói gì”.

Nhân vật Lê gây tranh cãi vì giọng nói.

Nhân vật Lê gây tranh cãi vì giọng nói.

Phản ứng gay gắt với ý kiến trên, độc giả Ánh Mai khẳng định: “Bạn nói nhiều người miền Trung lên Hà Nội học và làm việc thường có cách điều chỉnh thành giọng Hà Nội cho dễ giao tiếp. Đấy là vì hiểu biết và mối quan hệ của bạn rất hạn hẹp nên mới nhận xét như thế. Tôi 5 năm ra Hà Nội mà vẫn nói giọng quê. Tôi và các bạn của mình không bao giờ nói giọng Hà Nội nhưng nhiều người nghe vẫn hiểu. Giọng của Lê trên phim dễ nghe nhé, bạn nên tìm hiểu kỹ rồi hãy đưa ra nhận xét, đừng có suy nghĩ kỳ thị vùng miền như thế, không hay chút nào. Hãy đặt địa vị mình khi nói giọng Hà Nội nhưng bị khán giả vùng khác chê khó nghe sẽ thấy thế nào? Ai cũng có niềm tự hào về giọng nói và xuất thân của mình chứ!”.

Độc giả HoangNam thắc mắc: “Tôi là người miền Bắc nhưng vẫn nghe được bình thường mà. Các bạn trẻ thời nay chịu khó đi du lịch, trải nghiệm khám phá hoặc ít nhất cũng lên các nền tảng mạng xã hội, chả lẽ lại không tiếp xúc với những người ở các vùng vùng miền khác nhau để nghe và hiểu được giọng nói của họ. Chả lẽ manh chiếu mới đến mức như vậy sao?”.

Bạn Lê Duy phân tích thuyết phục: “Theo tôi, người ta kêu giọng miền Trung khó nghe thì không phải do phân biệt vùng miền như một số bạn nói, chẳng qua là khó hiểu, khó lý giải nghĩa của câu nói, lời thoại. Còn lý do tại sao khó nghe hiểu là vì âm vực của tiếng miền Trung thấp hẳn xuống so với tiếng Bắc và Nam.

Khi có 6 thanh điệu mà có tới 5 thanh khá thấp xuống thì tất cả na ná như nhau, ví dụ, hát (sắc) và hạt (nặng) phát âm theo giọng miền Trung là khá gần nhau. Ở ngoài, khi giao tiếp với người miền Trung, người nghe coi như thâm nhập (tạm thời) vào hệ thống âm sắc của tiếng miền Trung lý giải được, không khó hiểu. Nhưng trên phim vẫn giữ nguyên hệ thống vì có cả nhân vật giọng Bắc và hậu quả là hai hệ thống đan chéo, lúc thì Bắc, lúc thì Trung. Đó là lý do khó nghe hiểu lời thoại”.

Bạn Khanh nguyen đưa ra kết luận: “Với suy nghĩ của tôi số người có quan điểm khó chịu khi nghe tiếng miền Trung trên phim thường ít giao tiếp ngoài xã hội. Giả sử một người có kiến thức sâu rộng truyền đạt một đề tài rất có ích bằng tiếng địa phương mà bỏ qua thật là tiếc nuối khi mình không nghe được và không hiểu luôn... Hãy thay đổi quan điểm đi!”.

Thiên Di (tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khan-gia-phim-di-giua-troi-ruc-ro-dang-ao-tuong-quyen-luc-cua-minh-2316751.html