Khan hiếm nhân công thu hái cà phê tại Gia Lai
Những vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn chín rộ, đòi hỏi phải thu hoạch nhanh để đảm bảo năng suất, chất lượng. Thế nhưng, nhiều hộ trồng cà phê vẫn chật vật trong việc tìm lao động thu hái.
Cũng như nhiều hộ ở thôn Văn Mỹ (xã Ia Bă, huyện Ia Grai), từ cách đây cả tháng, gia đình ông Trần Xuân Hường đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để thuê nhân công thu hái gần 3 ha cà phê đang chín rộ. Vất vả lắm ông mới tìm thuê được 8 người. Ông Hường cho biết, mùa thu hoạch cà phê trước, tình trạng khan hiếm lao động đã xảy ra. Vì vậy, năm nay, gia đình đã sớm lo liệu nhưng vẫn rất khó tìm người. Vì lao động mùa vụ khan hiếm nên giá thuê hái cà phê cũng tăng lên mức 80.000 đồng/tạ, cao hơn năm 2018 khoảng 10.000 đồng/tạ mà còn phải lo cơm trưa cho họ.
Tình trạng thiếu lao động mùa vụ vẫn thường xảy ra trong vụ thu hoạch cà phê. Nguyên nhân là bởi tỉnh ta có diện tích cà phê lớn, việc thu hoạch lại tập trung vào một thời điểm, nhu cầu lao động theo đó tăng đột biến. Hơn nữa, việc thu hái cà phê chỉ mang tính thời vụ nên người lao động không tha thiết làm. Tiền công thu hái cà phê so với làm việc khác cũng không cao, chưa đủ kích thích người lao động.
Theo ông Phạm Văn Minh (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông), bình quân mỗi héc ta cà phê cần 50-60 ngày công thu hái. Nếu có 2-4 ha, mỗi hộ phải thuê từ 4 đến 8 lao động/ngày để thu hái cà phê cho kịp thời vụ. Chỉ cần chậm thu hoạch, cà phê sẽ rụng đầy gốc, càng thêm tốn thời gian nhặt. Chất lượng hạt cà phê theo đó cũng kém đi, khả năng phục hồi của vườn cây trong vụ sau cũng bị ảnh hưởng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Long (cùng ở làng Mui, xã Bình Giáo) có hơn 3 ha cà phê kinh doanh. Ông Long cho biết: “Ngay từ đầu vụ, tôi đã liên hệ với người quen ở Bình Định vẫn hay thu hái cà phê cho gia đình nhưng họ từ chối. Những năm trước, mùa này, người lao động ở Bình Định, Quảng Ngãi lên hái cà phê thuê rất nhiều. Nhưng năm nay, do nông sản mất giá, mất mùa, ảnh hưởng bão lũ làm thiệt hại mùa màng nên người lao động ít đi làm xa mà chủ yếu làm lụng tại chỗ để trang trải cuộc sống, phần nữa lo khắc phục hậu quả thiên tai”.
Ông Trần Khắc Hà-Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp-Dịch vụ liên kết xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cho biết: “Trước đây, vào dịp này, lao động các nơi đổ về rất đông. Thế nhưng, 2 năm nay thì chỉ lác đác, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê. Chính vì vậy nên người làm công hay đòi hỏi và nâng giá thuê. Nhiều người kén chọn vườn cà phê dày, mật độ quả nhiều mới nhận hái để có tiền công nhiều hơn”.
Trước tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê, nhiều hộ đang vận động đổi công lao động cho nhau để thu hoạch cho kịp thời vụ, đồng thời tiết giảm chi phí. Đây cũng là giải pháp phù hợp để giải bài toán “khát” nhân công thu hái cà phê hiện nay.