Khan hiếm nhân sự ngành bán dẫn

Theo số liệu công bố trên Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và 635 công bố về vi mạch.

Điểm đáng chú ý, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại 3 thành phố lớn là TP HCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).

Trao đổi tại hội thảo khoa học "Định hướng chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng tại thành phố giai đoạn 2023 - 2024, tầm nhìn đến năm 2030" do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức, PGS-TS Trần Mạnh Hà, Phó Ban Đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết cùng với thiết kế vi mạch, đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel, tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỉ USD.

Nhân sự chất lượng cao làm việc tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP HCM)

Nhân sự chất lượng cao làm việc tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP HCM)

Hệ sinh thái các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của nhà máy đóng gói Tập đoàn Intel đang từng bước được hình thành và củng cố cùng với sự phát triển của dự án Intel. Giai đoạn 2002 - 2022, Việt Nam với đầu tàu TP HCM đã xây dựng nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Do đó, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu bằng các hoạt động thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm tra vi mạch.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực và cần hơn 50.000 nhân lực chất lượng cao tính đến năm 2030. Đây cũng chính là nền tảng tạo ra các sản phẩm nội sinh trong nước có yếu tố sở hữu trí tuệ Việt Nam. "Thiết kế vi mạch là hoạt động đang có nhiều khả năng và lợi thế của nước ta. Trong đó, TP HCM nhận được sự quan tâm lớn từ các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới và họ đang chuyển hướng đến đầu tư, tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng" - PGS-TS Trần Mạnh Hà nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, thiếu nhân sự ngành bán dẫn đang là câu chuyện toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dự báo, trong 5 năm tới ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta cần khoảng 50.000 kỹ sư, riêng TP HCM là 40.000 người. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10 trường đại học lớn trên cả nước đào tạo những ngành phù hợp và ngành gần quy mô khoảng 80.000 người.

Vì vậy, bên cạnh mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn ở các bậc từ đại học trở lên, nước ta cần có chương trình nâng cao kỹ năng (upskill training) cho những người tốt nghiệp ngành phù hợp hoặc có ngành đào tạo gần. "Trong tương lai, TP HCM sẽ là trung tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn. Song muốn thu hút được doanh nghiệp đầu tư, cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. Tôi đề xuất hình thành quỹ phát triển vi mạch với quy mô 5 triệu USD (khoảng 120 tỉ đồng)" - ông Thi nói.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, thông tin hiện đơn vị được UBND thành phố giao chủ trì đề án Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ông Thinh cho rằng việc thành lập quỹ phát triển vi mạch là rất phù hợp, thành phố hoàn toàn đủ khả năng thực hiện.

"Muốn phát triển thì phải đầu tư, muốn có lực lượng lao động có trình độ đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần nghiên cứu, đề xuất các chế độ lương thưởng, chính sách phúc lợi… để thu hút nhân tài đến làm việc và toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự phát triển của thành phố" - ông Thinh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Huỳnh Như

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/khan-hiem-nhan-su-nganh-ban-dan-20231111201130863.htm