Khan hiếm nước đe dọa nghiêm trọng kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ

Theo các nhà nghiên cứu, khan hiếm nước sạch có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn của châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nông nghiệp, sản xuất và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể sẽ chịu tác động lớn.

Liên Hợp Quốc cảnh báo sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỉ người, chiếm gần 50% dân số Trái đất phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau.

Khan hiếm nước được coi là yếu tố quan trọng nhất và có khả năng gây tác động lớn nhất đến toàn cầu. Các nhà nghiên cứu nói rằng nhiều nền kinh tế lớn của châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng thiếu nước.

 Những người phụ nữ đổ đầy nước từ một bể chứa thành phố vào ngày 26 tháng 5 năm 2023 tại làng Peth Taluka ở Ấn Độ. Ảnh: CNBC.

Những người phụ nữ đổ đầy nước từ một bể chứa thành phố vào ngày 26 tháng 5 năm 2023 tại làng Peth Taluka ở Ấn Độ. Ảnh: CNBC.

Thiếu nước nhấn chìm ngành công nghiệp châu Á

Arunabha Ghosh, Giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước, chia sẻ với CNBC bên lề Tuần lễ Sinh thái hàng năm của Singapore rằng châu Á là một trung tâm công nghiệp đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất và để bay xa hơn nữa châu lục này sẽ đòi hỏi một lượng nước dồi dào.

Hơn nữa, ông Ghosh nói: “Không chỉ những ngành công nghiệp cũ như sản xuất thép, những ngành mới hơn như sản xuất chip bán dẫn và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ cần rất nhiều nước.

“Châu Á là động cơ tăng trưởng của thế giới và những ngành công nghiệp này là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của khu vực”.

Nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ vượt xa nguồn cung từ 40% đến 50% vào năm 2030. Ông Ghosh cảnh báo không nên coi tình trạng khan hiếm nước là vấn đề của ngành mà là vấn đề “vượt qua toàn bộ nền kinh tế”.

Các nền kinh tế châu Á “phải hiểu rằng đó là lợi ích chung của khu vực và lợi ích của chính họ là giảm thiểu rủi ro xảy ra nhằm ngăn chặn những cú sốc kinh tế mà tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng sẽ gây ra”.

 Đất đai khô cằn, nứt nẻ do hạn hán ở Ấn Độ. (Nguồn: AFP)

Đất đai khô cằn, nứt nẻ do hạn hán ở Ấn Độ. (Nguồn: AFP)

Ấn Độ, hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do khan hiếm nước. Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù chiếm 18% dân số thế giới, quốc gia này chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số, do đó khiến quốc gia này trở thành quốc gia thiếu nước nhất thế giới.

Quốc gia Nam Á này phụ thuộc rất nhiều vào mùa gió mùa để đáp ứng nhu cầu nước, nhưng biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt và hạn hán tấn công quốc gia này nhiều hơn, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước.

Trung Quốc lao đao vì khan nước

Theo tổ chức tư vấn độc lập Viện Lowy, khoảng 80% đến 90% lượng nước ngầm của Trung Quốc không phù hợp để tiêu thụ, trong khi một nửa số tầng ngậm nước đã quá ô nhiễm để sử dụng cho công nghiệp và nông nghiệp.

Đồng thời, 50% lượng nước sông cũng không thích hợp để uống và một nửa trong số đó cũng không an toàn để tưới tiêu cho ngành nông nghiệp.

Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, hệ thống điện sạch của nước này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than đá. Hệ lụy đáng cảnh báo: nếu không có nước, sẽ không có than.

Ông Ghosh nhấn mạnh: “Nước là nguyên liệu đầu vào thiết yếu để phát điện của các nhà máy nhiệt điện than. Trong trường hợp nếu nước trở nên khan hiếm hơn hoặc không có sẵn để phát điện, hiệu suất của nhà máy đó sẽ trở nên kém hiệu quả.

Các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực cũng ở trong tình trạng tương tự, nhưng cuộc khủng hoảng nước của họ có thể khó giải quyết hơn.

Shanshan Wang, lãnh đạo doanh nghiệp nước Singapore tại công ty tư vấn bền vững Arup, cho biết các quốc gia như Philippines không có đặc quyền và khả năng chống chịu kém, vì vậy có “sự mất cân bằng lớn trong cuộc khủng hoảng nước mà họ đang phải đối mặt”.

 Một người dân làng lùa đàn cừu trên lòng hồ chứa nước vào ngày 25 tháng 5 năm 2023 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Một người dân làng lùa đàn cừu trên lòng hồ chứa nước vào ngày 25 tháng 5 năm 2023 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Ấn Độ và Trung Quốc gần biển và sông, bị đe dọa nhiều hơn bởi mực nước biển dâng cao, nhưng họ có đủ khả năng mua công nghệ và đổi mới để có hệ thống trữ nước tốt hơn, Wang nói với CNBC bên lề Tuần lễ Nước Quốc tế Singapore hôm thứ Ba tuần trước.

Trong khi đó, Wayne Middleton, lãnh đạo doanh nghiệp nước Australia của Arup nói rằng “chúng tôi cần giơ tay và nói rằng không nhận ra giá trị của hệ thống sông ngòi và chúng tôi đã khai thác chúng cho mục đích công nghiệp và nông nghiệp. Chúng tôi chỉ mới thấy những thiệt hại gần đây”.

May mắn hơn, các quốc gia ở phương Tây có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi những rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng nước này. Vấn đề nước của châu Âu dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm do tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng sâu sắc. Khu vực này có nhiệt độ tăng cao vào mùa xuân, sau khi trải qua một đợt nắng nóng mùa đông gây thiệt hại cho các con sông và dốc trượt tuyết.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất

Đài Loan (Trung Quốc), quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất châu Á, một lần nữa phải chống chọi với tình trạng thiếu nước chưa đầy hai năm sau khi chiến đấu với đợt hạn hán tồi tệ nhất từng ghi nhận trong một thế kỷ.

Hiện khu vực này cần một lượng nước khổng lồ để cung cấp điều kiện đủ cho các nhà máy và sản xuất chip bán dẫn.

“Đài Loan là nơi sử dụng nhiều thủy điện và họ luôn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên tích trữ nước cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình sử dụng hay nên xả nước để họ có thể có thêm thủy điện”, bà Wang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý rằng mặc dù nhiều ngành sản xuất cần nước để hoạt động, nước không thực sự được sử dụng hết và có thể được tái chế.

“Khan hiếm nước không phải là vấn đề đặc biệt đối với các ngành công nghiệp này vì rất nhiều nước có thể được tái chế. Quá trình này gây ô nhiễm nước và nhiều ngành công nghiệp có thể chỉ muốn đổ nước trực tiếp trở lại hệ sinh thái thay vì làm sạch và tái sử dụng nó”, bà nhận định.

Không chỉ quan trọng với ngành chip, nước cũng đang đóng một vai trò to lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng theo kế hoạch và việc thiếu nước có thể cản trở quá trình chuyển đổi sang không sử dụng nước của các quốc gia.

 Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Năm 2022, Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong sáu thập kỷ. Nhiệt độ tăng cao làm khô cạn các khu vực của sông Dương Tử, cản trở khả năng sản xuất thủy điện - nguồn năng lượng lớn thứ hai của đất nước.

Để giảm bớt rủi ro về năng lượng, nước này đã phê duyệt số lượng nhà máy nhiệt điện than mới cao nhất kể từ năm 2015 vào năm ngoái. Bắc Kinh đã cho phép công suất điện than mới đạt 106 gigawatt vào năm 2022, cao gấp bốn lần so với một năm trước đó và tương đương với 100 nhà máy nhiệt điện lớn.

Theo chuyên gia Middleton: “Chúng tôi cần một quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các nguồn cung cấp nước mới. Thậm chí, Trung Quốc luôn cần các nguồn cung cấp nước luôn sẵn sàng để đảm bảo an ninh năng lượng. “

Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp cũng có thể chứng kiến sản lượng giảm đáng kể và an ninh lương thực sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Australia, giá trị sản xuất nông nghiệp dự kiến sẽ giảm 14%, đạt 79 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2024. Hệ quả do điều kiện khô hạn hơn dự kiến sẽ làm giảm năng suất cây trồng từ mức kỷ lục vào năm 2022 đến năm 2023.

“Chúng tôi chắc chắn có thể xây dựng các nguồn cung cấp mới và cung cấp nước cho các ngành công nghiệp, khách hàng và thành phố ở đất nước chuột túi, nhưng chúng tôi thực sự không thể duy trì đủ nước trong thời gian hạn hán kéo dài hơn”, Middleton của Arup chỉ ra.

Ông nói: “Tất nhiên chúng ta phải cung cấp nước cho các thành phố, nền kinh tế lớn và cộng đồng, nhưng điều đó để lại rủi ro ngày càng tăng đối với sản xuất lương thực và ngành nông nghiệp”.

Khánh Vy (Theo CNBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khan-hiem-nuoc-de-doa-nghiem-trong-kinh-te-trung-quoc-an-do-post251495.html