Khan hiếm nước ở Bali thách thức các giá trị văn hóa địa phương

Theo AP, các chuyên gia và nhóm môi trường cảnh báo khủng hoảng nước ở Bali đang trở nên tồi tệ hơn do ngành du lịch phát triển, dân số tăng và cơ cấu quản lý nước kém.

Xa xa những bãi biển và hệ thống khách sạn của Bali, I Ketut Jata – một người nông dân ở Indonesia đang đứng trên một sườn núi, ngước nhìn vào những thửa ruộng bậc thang khô cằn. Những thửa ruộng này là nguồn sống hàng ngày của gia đình Jata nhưng giờ đây trở nên khô cằn vì khan hiếm nước.

"Giờ đây gia đình tôi không thể làm việc trên cánh đồng như một nông dân thực thụ nữa", I Ketut Jata chia sẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Các chuyên gia và nhóm môi trường cảnh báo khủng hoảng nước ở Bali đang trở nên tồi tệ hơn do ngành du lịch phát triển, dân số tăng và cơ cấu quản lý nước kém. Tình trạng thiếu nước đã và đang tác động đến các điểm đến của Bali, đặc biệt là những di sản đã được UNESCO công nhận. Giếng nước, hệ thống sản xuất lương thực và văn hóa của người dân Bali đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và tình hình sẽ trở nên xấu đi rất nhiều nếu các chính sách về nước hiện tại không được đảm bảo trên hòn đảo.

Là đảo núi lửa nhiệt đới nằm ở trung tâm Indonesia, Bali lấy nước từ ba nguồn chính bao gồm hồ trên miệng núi lửa, sông và mạch nước ngầm nông. Hệ thống thủy lợi sinh thái truyền thống độc đáo (Subak) đã đưa nước qua mạng lưới kênh, đập và đường ống nhằm cung cấp nước cho các cánh đồng lúa ở đảo Bali, Indonesia. Subak gắn liền với đặc trưng văn hóa của Bali, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2012. Subak là trung tâm văn hóa đại diện cho triết lý Hindu Bali truyền thống ngàn xưa "Tri Hita Karana" – sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên và tâm linh.

"Đây là sự đặc biệt về cảnh quan sống ở châu Á", Feng Jing, người làm việc với UNESCO tại Bangkok nhận định.

Ông Putu Bawa, một đại diện của Chương trình bảo vệ nước Bali thuộc Tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Bali, Quỹ IDEP, cho biết áp lực thiếu nước đang gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn đối với hệ thống Subak và các nguồn nước khác. Theo dữ liệu dân số của Chính phủ, dân số của hòn đảo đã tăng hơn 70% từ năm 1980 đến 2020 lên 4,3 triệu người. Tăng trưởng du lịch cũng đạt được kết quả đáng khích lệ với khoảng 140.000 du khách nước ngoài đến hòn đảo này từ năm 1980. Đến năm 2019, hơn 6,2 triệu du khách nước ngoài và 10,5 triệu du khách nội địa đã đến đây. Bởi sự bùng nổ của du lịch, nền kinh tế Bali đã trở nên thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Putu Bawa nói rằng những cánh đồng lúa nhận nước từ hệ thống cấp nước Subak giờ đây đã trở thành sân golf và công viên nước trong khi các khu rừng cung cấp nước tự nhiên đã mọc lên những khu biệt thự tráng lệ và xây dựng nhiều khách sạn mới.

Cần hành động kịp thời

Chuyên gia Stroma Cole đến từ Đại học Westminster nhấn mạnh mực nước ngầm đang giảm đi đáng kể vì người dân và các doanh nghiệp ở Bali đã sử dụng giếng khoan để lấy nước sạch không theo quy định, thay vì lấy nước từ nguồn cung cấp theo đường ống của Chính phủ.

"Hiện tại, đây là nguồn nước rẻ nhất cho mọi người sử dụng", bà Cole nói.

Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, mực nước ngầm của Bali đã giảm đi rất nhanh ở một số khu vực. Các giếng đang trở nên cạn kiệt hoặc bị nhiễm mặn, đặc biệt ở phía nam của hòn đảo. Theo bà Cole, Bali đã có các quy định, chẳng hạn như giấy phép sử dụng nước và yêu cầu đóng thuế đối với người sử dụng nước – nhằm quản lý nguồn cung cấp nước cho hòn đảo nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai.

"Các quy tắc đưa ra thật tuyệt vời nhưng chúng chưa thể triển khai hiệu quả", bà Cole khẳng định.

Đáng chú ý, tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nước có thể được nhìn thấy ở Jatiluwih, phía tây bắc Bali – khu vực người nông dân có xu hướng trồng lúa bậc thang lớn nhất của hòn đảo. Qua nhiều thế hệ, ruộng bậc thang xanh tươi đều phụ thuộc vào hệ thống Subak để tưới tiêu. Trong suốt thập kỷ qua, nông dân phải mua và bơm nước qua các ống nhựa trắng để tưới cho cánh đồng ở khu vực.

Trở lại trung tâm Bali, người nông dân Jata cho biết ông đã định thử trồng đinh hương, loại cây cần ít nước hơn thay thế cho trồng lúa nhưng đất đai và thiếu nước từ hệ thống Subak đã cản trở kế hoạch của ông.

"Trước đây, khi Subak hoạt động bình thường, nước vẫn đảm bảo cung ứng đủ. Tuy nhiên, việc thiếu nước trầm trọng đang diễn ra", Jata khẳng định. Theo nghiên cứu của chuyên gia Cole, những nông dân khác ở Bali đã nói rằng họ chỉ có thể thu hoạch một vụ lúa thay vì hai hoặc ba vụ mỗi năm do nguồn nước bị gián đoạn. Điều này cũng làm giảm sản lượng lương thực đáng kể trên hòn đảo. Khi Indonesia đóng cửa biên giới vào thời điểm xảy ra đỉnh dịch, ngành du lịch Bali đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà môi trường từng hy vọng việc đóng cửa du lịch sẽ giúp các giếng đảo nạp lại nước. IDEP hiện đang lắp đặt hệ thống cảm biến trong các giếng nước trên đảo để nghiên cứu và theo dõi mực nước tốt hơn.

Đến hiện tại, du lịch trên hòn đảo đã trở lại và hồi sinh mạnh mẽ. Khách sạn mới, biệt thị và các doanh nghiệp đang tiếp tục phục vụ nhu cầu gia tăng của du khách. Du lịch là chìa khóa đối với Bali nhưng cũng cần phải triển khai tốt hơn và tăng cường giám sát cao hơn để bảo vệ tài nguyên nước trên hòn đảo.

"Chúng ta cần phải làm điều này cùng nhau vì sự phát triển của hòn đảo", Giám đốc dự án của Chương trình bảo vệ nước Bali Putu Bawa nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khan-hiem-nuoc-o-bali-thach-thuc-cac-gia-tri-van-hoa-dia-phuong-20221214155344063.htm