Khan hiếm thuốc do hồ sơ tồn đọng tại Bộ Y tế: Cần xem xét, xử lý nghiêm

Theo đại biểu Quốc hội, dựa vào kết luận thanh tra, cơ quan chức năng cần xem xét nguyên nhân sâu xa, có biện pháp xử lý với cán bộ gây ra tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế.

Liên quan đến những vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra về giải quyết Thủ tục hành chính (TTHC), Cung cấp dịch vụ công (CCDVC) cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Y tế, đặc biệt là nguyên nhân gây tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là "vấn đề rất nghiêm trọng”.

Theo ông Hòa, tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế tồn tại đã rất lâu, xuất phát từ chính quy định của Bộ Y tế, trong đó có việc các đơn vị nhập khẩu thuốc phải thông qua Cục Quản lý dược và một số đơn vị liên quan, để được cấp phép.

“Lĩnh vực này còn chồng chéo, có nhiều loại thuốc hiếm tìm tại các nhà thuốc của bệnh viện không có nhưng ra các tiệm thuốc tư nhân lại có và giá cả đắt đỏ. Rõ ràng đường nhập khẩu thuốc "hợp lệ" bây giờ đang rất khó khăn”, ông Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá TTCP đã công khai kịp thời thiếu sót, vi phạm trong xử lý TTHC tại Bộ Y tế. Những vấn đề này dư luận rất quan tâm, bức xúc và việc cần làm bây giờ là “giải quyết dứt điểm”.

Theo ông Hòa, dựa vào kết luận thanh tra, cơ quan chức năng cần tiếp tục các biện pháp xử lý nghiêm minh.

"Cơ quan chức năng cần xem xét sâu xa vụ việc, lâu nay cử tri và đại biểu đã phản ánh rất nhiều về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế có sai phạm.

Nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế có sai phạm.

Trước đó, tại kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Y tế trong giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân và doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện, các hồ sơ ở lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế quá hạn lên tới trên 80 - 90%.

Ngoài ra, một số thủ tục hành chính có hồ sơ quá hạn bình quân hơn 400 ngày; có những hồ sơ thời gian tiếp nhận, chuyển thẩm định và yêu cầu bổ sung kéo dài 2 - 4 năm, trong khi quy định là 3 ngày làm việc.

Mặc dù giải quyết chậm trễ, quá thời hạn nhưng Bộ Y tế không xin lỗi người dân, doanh nghiệp.

Qua thanh tra còn phát hiện tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện thông tin, tài liệu quá nhiều lần; áp dụng quy định đã bị bãi bỏ.

TTCP xác định tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn rất cao, tồn đọng nhiều năm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị.

Riêng tại Cục Quản lý dược, TTCP cho hay, đã xảy ra thực trạng không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc “hồ sơ nộp trước giải quyết trước, nộp sau giải quyết sau”.

Khi giao hồ sơ cho chuyên gia thẩm định, đơn vị này không nêu thứ tự ưu tiên của từng hồ sơ và thời hạn hoàn thành, dẫn đến việc một số chuyên gia kéo dài thời hạn quy định.

Theo kết luận thanh tra, Cục Quản lý dược có nhiều hạn chế, yếu kém trong theo dõi, quản lý giải quyết hồ sơ. Số liệu tổng hợp kết quả giải quyết hồ sơ báo cáo Chính phủ chênh lệch lớn so với số chi tiết của cục. Nhiều trường hợp hồ sơ đã hết thời hạn giải quyết nhưng vẫn báo cáo là đang giải quyết.

Đối với các hồ sơ cấp, gia hạn, thay đổi bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý dược cũng bị thanh tra kết luận 'buông lỏng việc quản lý'.

Việc tồn tại nhiều hồ sơ quá hạn tại Cục Quản lý dược và một số Cục khác, cơ quan thanh tra xác định, do lãnh đạo các đơn vị này chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tham mưu, "có biểu hiện gây phiền hà cho doanh nghiệp".

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khan-hiem-thuoc-do-ho-so-ton-dong-tai-bo-y-te-can-xem-xet-xu-ly-nghiem-post1699720.tpo