Tinh gọn tổ chức bộ máy: Thời cơ cho nền kinh tế 'bứt tốc'
Theo các ĐBQH, chuyên gia kinh tế, quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, mà còn là thời cơ cho nền kinh tế 'bứt tốc' trong tương lai gần.
Lợi ích kép khi tinh gọn bộ máy
Trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rằng, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chống lãng phí được Tổng Bí thư chỉ ra đó là do bộ máy quản lý cồng kềnh kìm hãm phát triển.
Tổng Bí thư cho biết, hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, số ngân sách dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động chiếm tỷ lệ cao tổng chi ngân sách nhà nước như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Đây là điều mà Tổng Bí thư đang đau đáu khi nhìn vào thực trạng chi tiêu của ngân sách nhà nước. Đặc biệt là khi so sánh với các nước khác có mức chi co hơn ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nhiều Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình, cho rằng muốn tiết kiệm chi ngân sách nhà nước phải thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên.
Đồng thời cần đổi mới khu vực sự nghiệp công, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phần chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị này, qua đó dành nguồn lực thực hiện cho nhiều ưu tiên cấp bách khác, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội.
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Tổng Bí thư đã nêu vấn đề và phân tích rõ thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy Nhà nước. Do đó, việc tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề cấp bách, mang lại hiệu quả tích cực lên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ đem lại lợi ích kép có tính lan tỏa mạnh mẽ cho cả đất nước trong thời gian tới.
Cụ thể, việc giảm chi lương, chi thường xuyên từ 70% ngân sách xuống còn khoảng 50 -55% không chỉ giúp tiết kiệm lớn ngân sách mà nguồn lực đó sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực đầu tư công, phát triển khoa học công nghệ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, tác động ngược lại làm tăng thu ngân sách.
Không những vậy, quá trình này có tác động dây chuyền lên nhiều mặt của đời sống, đặc biệt là an sinh xã hội ảnh hưởng trực tiếp đại đa số người dân.
"Các nước chi thường xuyên khoảng 40% ngân sách, trong khi Việt Nam tận 70% rõ ràng thể hiện sự bất cập. Mà chi thường xuyên cao quá sẽ ảnh hưởng chi tiêu đầu tư phát triển, trong khi chi đầu tư phát triển mới đem lại lợi ích cho ngân sách, phúc lợi cho người dân", ông Hòa nhìn nhận.
Để việc tinh gọn tổ chức bộ máy có hiệu quả, ông Hòa cho rằng, trước mắt việc sắp xếp bộ máy cần tiến hành ở Trung ương trước, các địa phương sẽ làm sau. Khi Trung ương đã tinh gọn thì không có lý do gì các địa phương không thể làm được.
"Tôi tin rằng, cùng với việc sửa Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Viên chức đã có hiệu lực sẽ có tác động mạnh, tạo hành lang pháp lý giúp quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy diễn ra nhanh chóng, thuận lợi", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Tăng năng suất lao động là yếu tố then chốt của nền kinh tế
Dưới góc độ kinh tế, đầu tư phát triển là yếu tố then chốt giúp tăng năng suất lao động, thu hút vốn đầu tư. Tỷ lệ 30% ngân sách dành cho đầu tư là quá thấp, có thể gây ra thiếu hụt trong các dự án hạ tầng quan trọng, dẫn đến nhiều bất cập như ách tắc giao thông, quá tải bệnh viện, thiếu cơ sở giáo dục, và tụt hậu công nghệ.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc không đầu tư đủ cho các dự án phát triển sẽ khiến Việt Nam khó bắt kịp với các quốc gia khác về năng lực cạnh tranh. Các khoản chi cho phát triển là nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng lao động và cải thiện hạ tầng. Nếu ngân sách đầu tư phát triển bị giới hạn, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì đà tăng trưởng và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng nguồn lực cho đầu tư sẽ giúp đất nước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng không chỉ cho thời gian trước mắt mà sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước, tạo đà cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh điều quan trọng hơn tới từ việc tinh gọn tổ chức bộ máy là giúp nâng cao năng lực quản lý, năng suất lao động của cán bộ. tạo nên bộ máy chính quyền chủ động, thông suốt trong xử lý công việc.
"Năng suất lao động là điều quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, quyết định tất cả. Có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không, có trở thành quốc gia phát triển, hiện đại hay không,.. là phụ thuộc năng suất lao động. Nếu làm nhiều nhưng năng suất lao động thấp thì tất cả cũng đều vô nghĩa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Đối với doanh nghiệp, vị chuyên gia này cho rằng, đây là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Cụ thể, việc co gọn đầu mối khiến các thủ tục đơn giản sẽ giúp giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
"Trước đây một thủ tục có đến năm bảy cửa, sau khi tinh gọn có đầu mối chịu trách nhiệm rõ ràng, minh bạch. Cùng với việc số hóa được đẩy mạnh thì các doanh nghiệp sẽ giảm nhiều thời gian chờ đợi thủ tục, đẩy nhanh quy trình tất cả các khâu của sản xuất kinh doanh", vị chuyên gia này cho hay.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ là thời cơ để nền kinh tế có chu kỳ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.