Khàn tiếng kéo dài có thể là dấu hiệu ung thư

Khàn tiếng có thể do ho, cảm cúm, uống rượu bia nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thanh quản.

 Khàn họng có thể là triệu chứng của tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản. Ảnh: Freepik.

Khàn họng có thể là triệu chứng của tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản. Ảnh: Freepik.

Khàn tiếng là khi giọng nói thay đổi, âm thanh phát ra rè, khàn hơn bình thường. Thậm chí, người bệnh cố gắng nói nhưng người đối diện rất khó nghe được.

Theo các bác sĩ Bệnh viện quận 11 (TP.HCM), thông thường, khàn tiếng có thể hết trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài trên 2 tuần không rõ nguyên nhân, rất có thể người bệnh có thể tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản.

Ai có nguy cơ khàn tiếng?

Khoảng 1/3 dân số bị khàn tiếng ít nhất một lần trong đời, có thể tự nhiên bị khàn tiếng, thỉnh thoảng bị khàn tiếng, khàn tiếng nhưng không đau họng, khàn tiếng đau họng, khàn tiếng có đờm…

Số lần bị khàn tiếng xảy ra nhiều hơn ở nhóm người làm nghề sử dụng giọng nói nhiều, liên tục như giáo viên, ca sĩ, huấn luyện viên, người dẫn chương trình… hay ở người mắc bệnh các bệnh lý làm tổn thương dây thanh quản.

Khàn tiếng có thể bắt nguồn từ việc sử dụng giọng nói quá

Nói nhiều, nói liên tục với âm lượng lớn, nhất là những người cổ vũ, hát hò…
Lớn tuổi khiến dây thanh quản thoái hóa cấu trúc, trở nên giảm đàn hồi, giảm rung động dây thanh nên giọng nói người lớn tuổi cảm giác bị khàn.
Uống nhiều rượu bia gây khàn tiếng.
Cảm cúm, ho, viêm họng, nhiễm trùng xoang cũng làm giọng nói khàn đi.
Viêm thanh quản do dây thanh quản sung huyết, phù nề làm giọng nói khàn.
Liệt dây thanh do chấn thương, ung thư tuyến giáp và vùng trung thất, nhiễm trùng, đa xơ cứng, đột quỵ, bệnh Parkinson cũng làm giọng nói bị khàn.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) do axit trong dạ dày trào lên cổ họng dẫn đến trào ngược họng thanh quản (LPR), làm tổn thương thanh quản, khiến giọng nói khàn khàn. U nang và polyp xuất hiện trên dây thanh quản cũng khiến giọng nói bị khàn.
Ung thư thanh quản cũng gây khàn giọng, nhất là dấu hiệu khàn giọng kéo dài hơn 3 tuần, dù điều trị thuốc không giảm.
Bệnh u nhú lành tính ở đường hô hấp tái trên đường dẫn khí gây ra tình trạng khàn tiếng.
Chứng khó thở, rối loạn giọng do căng cơ quá mức trong và xung quanh thanh quản sẽ ngăn dây thanh hoạt động.

 Khàn tiếng cũng có thể là biểu hiện của việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Ảnh: Freepik.

Khàn tiếng cũng có thể là biểu hiện của việc sử dụng quá nhiều rượu bia. Ảnh: Freepik.

Không phải kiểu khàn tiếng nào đều có thể chữa bằng mật ong

Thay vì đi khám để tìm ra nguyên nhân để điều trị tận gốc, nhiều người chọn các cách chữa khàn tiếng tại nhà, cấp tốc... theo các phương pháp trên mạng. Tuy nhiên, không phải kiểu khàn họng nào cũng có thể điều trị bằng các phương pháp giống nhau.

Nếu đi khám chuyên khoa, tùy thuộc vào nguyên nhân gây khàn giọng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu khàn họng do lối sống sinh hoạt, bác sĩ tư vấn về lối sống, điều chỉnh giờ giấc, thói quen ăn uống, giảm các hoạt động nói to, nói nhiều…

Nếu khàn tiếng do cảm cúm, viêm họng, ho…, bệnh nhân cần uống đồ ấm và bổ dưỡng như trà gừng ấm, trà mật ong hoa cúc, chanh đào mật ong…

Nếu khàn tiếng do bệnh viêm họng, cảm cúm, ho, sốt, trào ngược dạ dày, dị ứng…, bệnh nhân phải điều trị bệnh lý.

Nếu khàn tiếng do các tổn thương dây thanh, ung thư thanh quản, người bệnh có thể phải phẫu thuật, thậm chí xạ trị, hóa trị, thực hiện các phương pháp nhắm đích…

Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện quận 11 cũng đưa ra một số gợi ý giúp mọi người hạn chế khả năng bị khàn tiếng như:

Hạn chế nói to, nói nhiều. Uống ít bia, rượu, không hút thuốc lá.
Giữ ấm cổ họng vào mùa lạnh, đeo khẩu trang tránh cảm cúm, viêm họng.
Khám sức khỏe định kỳ.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khan-tieng-keo-dai-co-the-la-dau-hieu-ung-thu-post1439334.html