Khẩn trương bàn giao 'mặt bằng sạch' cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa đi kiểm tra công trường và làm việc với tỉnh Đồng Nai về cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai.
Cần đẩy nhanh bàn giao mặt bằng "sạch"
Ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã kiểm tra công trường cao tốc và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc bàn giao "mặt bằng sạch" tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang- Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai 2 gói thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hiện các nhà thầu đang huy động thiết bị máy móc đã triển khai thi công. Tiến độ thi công dự án rất gấp gáp chỉ trong 2 năm phải hoàn thành. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực địa trên tuyến còn tồn tại khoảng 3km chưa được bàn giao mặt bằng, việc di dời hạ tầng kỹ thuật qua các huyện còn chậm so với kế hoạch.
"Đối với diện tích còn lại cần bàn giao mặt bằng không lớn, do đó UBND tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương để sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cần nỗ lực hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021", Thứ trưởng Đông nói và cho biết, theo hợp đồng ký kết với các nhà thầu, việc thi công phải hoàn thành trong 2 năm nên áp lực rất lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 18/12.
"Giao Ban QLDA Thăng Long, các đơn vị tư vấn giám sát chặt chẽ tiến độ các nhà thầu, đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tránh gây ảnh hưởng đến người dân. Các bãi đổ thải phải đúng quy định và được địa phương thống nhất. Khi sử dụng các đường để phục vụ thi công phải thống nhất với địa phương và phải hoàn trả mặt đường khi sử dụng, Các nhà thầu cần rà soát nguồn nguyên liệu đất đắp san lắp, mỏ vật liệu và đề xuất địa phương hỗ trợ...
Đây là dự án được Chính phủ rất quan tâm, nếu chậm tiến độ xác định nguyên nhân từ lý do gì các đơn vị liên quan đều phải chịu trách nhiệm. Mong rằng thời gian tới địa phương sớm bàn giao mặt bằng, di dời công trình hạ tầng dự án đường cao tốc và dự án cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn. Do vậy Bộ GTVT và địa phương phải cùng phối hợp chặt chẽ để giải quyết các tồn đọng còn lại sớm hoàn thành công trình đúng kế hoạch", Thứ trưởng Đông nói.
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư. Các huyện cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục để thực hiện di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong vùng dự án. Đối với công tác tái định cư cho người dân, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ để sớm giao đất cho người dân ổn định cuộc sống.
Phát hiện nhà thầu chưa bố trí đủ nhân lực, thiết bị
Ông Nguyễn Văn Huấn - PGĐ Ban QLDA Thăng Long (đứng) lo ngại việc chậm di dời hạ tầng, mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Ông Nguyễn Văn Huấn - PGĐ Ban QLDA Thăng Long cho biết: "Mặt bằng qua tỉnh Đồng Nai, còn vướng hơn 3km. Trước buổi họp này, lãnh đạo huyện Xuân Lộc có thông báo, tuần tới sẽ bàn giao tiếp 1km, còn lại sẽ phấn đấu bàn giao vào cuối tháng 12 nên rất phấn khởi. Hiện các huyện đang ở bước đấu thầu để thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật".
Về tiến độ thi công trên công trường, ông Huấn cho biết thêm, các nhà thầu đã huy động máy móc thiết bị, nhân sự tập trung cào bóc hữu cơ, thi công rầm rộ. Hiện gói thầu XL04 do có nhiều thuận lợi nên các nhà thầu đang có nhiều mũi thi công có thể "đánh nhanh, thắng nhanh". Tuy nhiên tại gói thầu XL01 công tác triển khai thi công chưa đảm bảo do nhà thầu chưa huy động đủ phương tiện xe, máy, nhân sự...
Thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua huyện Xuân Lộc.
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án rất cấp bách, khối lượng công việc rất lớn. Thế nhưng qua 3 lần kiểm tra thực địa công trường vẫn chưa yên tâm với công tác thi công. Ông Roãn yêu cầu các nhà thầu kiện toàn ban điều hành, huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị thực hiện nghiêm chỉnh theo hợp đồng đã đấu thầu.
"Các nhà thầu phải xây dựng kế hoạch thi công chi tiết và cả tiến độ dự phòng để chủ động trong thi công", ông Roãn nói.