Khẩn trương bổ sung, cập nhật thông tin, rà soát số liệu, bảo đảm bao quát toàn diện kết quả đạt được

Cho ý kiến về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo việc bổ sung, cập nhật thông tin, rà soát các số liệu, bảo đảm báo cáo toàn diện kết quả công tác.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Sáng 26.9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước

Theo Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm vừa qua tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định.

Trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; qua đó, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước.

Việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu quả.

Về tồn tại, hạn chế, báo cáo của Chính phủ cho biết, mặc dù có quyết tâm cao, có nhiều cố gắng nhưng công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực quản lý còn chậm. Trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với trước nhưng việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo số ngày theo quy định.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 81,4%) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (83%).

Bảo đảm tổng hợp đủ số liệu của 63 địa phương trước Kỳ họp thứ Tám

Trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, cơ bản phản ánh đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo yêu cầu của Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo đã đánh giá khá toàn diện những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, làm rõ các nguyên nhân cơ bản phát sinh khiếu nại, tố cáo; đồng thời, đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Báo cáo của Chính phủ cũng đã tiếp thu nhiều yêu cầu trong Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7.10.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về Báo cáo đối với công tác này năm 2023 và ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, điểm mới nổi bật của Báo cáo năm nay là Chính phủ và các cơ quan đã thực hiện thời gian tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính từ ngày 1.10 của năm trước đến hết ngày 30.9 của năm báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Pháp luật để trình Quốc hội.

Theo đó, bước 1, tại phiên họp này (tháng 9.2024), Chính phủ báo cáo, đánh giá trên cơ sở số liệu từ ngày 1.10.2023 đến hết 31.7.2024, sau đó bước 2 sẽ tiếp tục cập nhật số liệu đến ngày 30.9.2024 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.2024.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ tiếp tục bổ sung, cập nhật thông tin, rà soát các số liệu, trên cơ sở đó đánh giá sâu sắc, so sánh với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể được nêu trong các mục dưới đây để hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội nhằm thể hiện đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng tình với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay ở các địa phương mới tổng hợp được số liệu của 45/63 địa phương và đều thấp hơn 12 tháng năm 2023 nên chưa có đủ cơ sở để so sánh, đánh giá. Việc số liệu chưa tổng hợp đầy đủ khiến cho “bức tranh” về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo không chính xác.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chấn chỉnh các địa phương gửi đúng, đủ các báo cáo, bảo đảm tổng hợp đủ số liệu của 63 địa phương trước Kỳ họp thứ Tám tới đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, báo cáo cần chỉ rõ "địa chỉ" những bộ, ngành, địa phương nào thực hiện tốt công tác tiếp công dân và bộ, ngành, địa phương nào có người đứng đầu ít tiếp công dân.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại năm 2024 đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong năm 2024. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. “Chúng ta xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng tạo được niềm tin cho nhân dân, niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đến Việt Nam”. Ghi nhận những kết quả này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nổi bật là trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngày càng đi vào nề nếp, bài bản; việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ; việc xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, HĐND các cấp có sự liên kết chặt chẽ, có tiếng nói rất mạnh.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Hàng năm, qua các báo cáo của Ban Dân nguyện, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, công tác này đã có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên còn chưa đồng đều.

Công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực còn chậm. Việc thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trực tiếp tiếp công dân chưa bảo đảm số ngày theo quy định. “Nếu thật sự theo quy định là Chủ tịch UBND các cấp phải dành thời gian tiếp công dân đúng thì tôi nghĩ rằng số lượng khiếu nại, tố cáo sẽ giảm... Và, nếu thật sự giải quyết triệt để, tận gốc ở cấp xã thì sẽ không lên huyện mà huyện quan tâm giải quyết là không lên tỉnh, nếu tỉnh quan tâm thì không có đoàn ra Trung ương”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm nay đạt 81,4%, thấp hơn so với năm 2023 (đạt 83%). Nêu ra con số này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng; cần phân tích rõ số liệu các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, làm rõ tình trạng chậm xem xét giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn các khiếu nại, tố cáo của người dân.

Về phía Trung ương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sắp tới cần tăng cường trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai, tổ chức thực hiện, quan trọng nhất là giám sát, kiểm tra, nhất là những ngành, lĩnh vực có tình hình khiếu kiện phức tạp và có nhiều vụ việc tồn đọng.

Về phía địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các cấp chịu trách nhiệm về việc vấn đề khiếu kiện trên địa bàn có được giải quyết thấu tình, đạt lý trên cơ sở “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” hay không; tăng cường xử lý những vụ việc nổi cộm ở địa phương thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước để gần dân, sát dân, hiểu dân.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khan-truong-bo-sung-cap-nhat-thong-tin-ra-soat-so-lieu-bao-dam-bao-quat-toan-dien-ket-qua-dat-duoc-post391484.html