Khẩn trương cấp phép khai thác mỏ, bảo đảm nguồn đất san lấp

Để giải bài toán thiếu đất san lấp mặt bằng các công trình, dự án, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, một số sở, ngành, địa phương đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ đất san lấp, đắp nền trên địa bàn.

Vướng quy hoạch

Tại Thông báo 66/TB-UBND ngày 24/2/2023 về việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến quy hoạch và thủ tục chấp thuận chủ trươngđầu tư dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, UBND tỉnh yêu cầu trước ngày 30/6/2023, các sở, ngành liên quan phải hoàn thành việc cấp phép cho 23 điểm mỏ khoáng sản (đất san lấp) trúng đấu giá năm 2020 và phê duyệt trữ lượng; trước 15/10/2023 hoàn thành việc cấp phép khai thác cho 41 điểm mỏ đã cấp phép thăm dò tại khu vực không đấu giá và trước 31/01/2024, hoàn thành việc cấp phép khai thác các điểm mỏ trúng đấu giá giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, tiến độ cấp phép khai thác các mỏ đất còn rất chậm, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra và yêu cầu phát triển KT- XH của tỉnh.

 Mỏ đất san lấp tại xã Cẩm Lý (Lục Nam) là một trong số rất ít mỏ đất trúng đấu giá từ năm 2020 được cấp phép khai thác.

Mỏ đất san lấp tại xã Cẩm Lý (Lục Nam) là một trong số rất ít mỏ đất trúng đấu giá từ năm 2020 được cấp phép khai thác.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh mới cấp phép khai thác thêm được 3 mỏ. Nguyên nhân là do quy hoạch chưa phù hợp, đồng bộ với một số quy hoạch khác như: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030. Một số mỏ phù hợp quy hoạch nhưng lại bị sai lệch về phạm vi khoanh vùng, tô màu trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trong đó, 2 huyện Lục Nam, Lạng Giang là nơi có nhiều mỏ đất đang vướng quy hoạch chưa thể cấp chấp thuận đầu tư.

Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong số 23 điểm mỏ khoáng sản tổ chức đấu giá quyền khai thác từ năm 2020 và đã được phê duyệt trữ lượng, có 9 điểm mỏ phù hợp Quy hoạch tỉnh nhưng chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc không nằm trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh; 2 điểm mỏ khác sai lệch về diện tích, vị trí so với Quy hoạch tỉnh...

UBND tỉnh yêu cầu trước ngày 30/6/2023 các sở, ngành liên quan phải hoàn thành việc cấp phép cho 23 điểm mỏ khoáng sản (đất san lấp) trúng đấu giá năm 2020 và phê duyệt trữ lượng; trước 15/10/2023 hoàn thành việc cấp phép khai thác cho 41 điểm mỏ đã cấp phép thăm dò tại khu vực không đấu giá và trước 31/1/2024 hoàn thành việc cấp phép khai thác các điểm mỏ trúng đấu giá giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, tiến độ cấp phép khai thác các mỏ đất còn rất chậm, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra.

Theo ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, một nguyên nhân nữa làm ảnh hưởng tiến độ cấp phép khai thác các mỏ là do doanh nghiệp (DN) chậm hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chấp thuận đầu tư theo quy định. Qua rà soát mới đây cho thấy, có 7/10 mỏ đất san lấp đã được phê duyệt trữ lượng, đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng DN chưa nộp hồ sơ gửi về Sở KH&ĐT.

Đây là các nguyên nhân gây ảnh hưởng tiến độ cấp phép khai thác các điểm mỏ, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng, nhất là đất đắp nền, làm đội giá thi công công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; DN trúng đấu giá các điểm mỏ chưa được cấp phép khai thác theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Giang, DN trúng đấu giá một số mỏ đất tại huyện Lạng Giang từ năm 2020 cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào mỗi điểm mỏ vài tỷ đồng, do huyện Lạng Giang chưa có quy hoạch xây dựng nên suốt 3 năm qua, DN chưa được cấp chấp thuận đầu tư, cấp phép khai thác; trong khi đó tiền vay ngân hàng để đầu tư, DN vẫn phải trả lãi hằng tháng”. Tương tự, một số công ty cùng trúng đấu giá các mỏ đất tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) đến nay đều chưa được cấp phép khai thác.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Trước nhu cầu thiếu nguồn vật liệu đất san lấp, đắp nền tại các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh lớn, trong khi tiến độ cấp phép các mỏ đất quá chậm so với yêu cầu của UBND tỉnh, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện nhiệm vụ này tháng 6 vừa qua, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc chậm cấp phép: Một số cơ quan, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt và chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.

Bên cạnh đó, một số DN được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng chưa nghiêm túc trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp cho cơ quan Nhà nước thẩm định, cấp phép theo quy định. Qua đó, đồng chí yêu cầu các Sở: TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện nơi có các mỏ đất còn vướng mắc về quy hoạch, tập trung cao thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, tích cực phối hợp thực hiện tốt các phần việc của mình, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các mỏ đất san lấp.

Mục tiêu đến ngày 15/7/2023, cấp phép được hơn 10 mỏ đất san lấp, với trữ lượng khai thác khoảng trên 12 triệu m3. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mục tiêu trên không hoàn thành. Tính đến đầu tháng 7, Sở TN&MT mới thẩm định và trình UBND tỉnh cấp được 3 giấy phép khai thác cho 3 DN ở Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng với trữ lượng 2,42 triệu m3. Hiện đơn vị đang thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp phép thêm 3 mỏ tại Tân Yên và Việt Yên; tổ chức đấu giá được 29/32 điểm mỏ theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2022-2023...

Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin: “Đơn vị vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện có nhiều điểm mỏ như Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, khẩn trương lập điều chỉnh cục bộ các điểm mỏ khoáng sản phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng gửi Sở Xây dựng thẩm định; quan tâm hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý các dự án khai thác theo cam kết. Cùng đó, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng”.

Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đã tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch xây dựng của 2 huyện Việt Yên, Lạng Giang và có văn bản đôn đốc các huyện còn lại lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng liên quan các mỏ. Sở KH&ĐT đã tập trung cao trong việc tiếp nhận, xem xét, xử lý 23 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục đề nghị. Hiện đã có 6 hồ sơ được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, 17 hồ sơ đang tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện trình UBND tỉnh chấp thuận theo quy định.

Bài, ảnh: Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/409089/khan-truong-cap-phep-khai-thac-mo-bao-dam-nguon-dat-san-lap.html