Khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1/7/2024
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024.
Rút ngắn thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 4/5, phóng viên đặt câu hỏi đến Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7? Chính phủ kỳ vọng gì về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy kinh tế xã hội và những vấn đề khác sau khi Luật Đất đai có hiệu lực?
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, để sớm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đưa các chính sách đất đai sớm đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành như Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Tư pháp đã khẩn trương huy động các nguồn lực trong một thời gian ngắn, với tiến độ rất gấp và đòi hỏi chất lượng rất cao, khối lượng công việc nhiều để triển khai xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản này bao gồm Nghị định, Thông tư, rồi quyết định, các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
"Với Bộ TN&MT, đến thời điểm hiện nay được giao dự thảo 6 nghị định và 4 thông tư, chúng tôi đã hoàn thành các dự thảo. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã tiến hành thẩm định và dự kiến trước ngày 10/5/2024 Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà", Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.
Các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình, để trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đủ các điều kiện báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng được giao tham mưu với Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Bộ TN&MT đã hoàn thành các thủ tục, báo cáo Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
"Chúng tôi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để đảm bảo đồng bộ cả Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo các điều kiện về việc xây dựng văn bản", Thứ trưởng Lê Minh Ngân thông tin.
Về kỳ vọng, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 là thể chế hóa các chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18 về các chính sách đất đai. Ngoài các nội dung về chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, tài chính về đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, rồi xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…
Luật Đất đai 2024 được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương. Qua đó sẽ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn được chỉ ra trong việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời rút ngắn được thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định.
Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà không kinh doanh, mua bán
Cũng tại buổi họp báo, báo chí quan tâm đến tiến độ ban hành chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà và đặt câu hỏi tới Bộ Công Thương về việc các nhà đầu tư có thể bán ra ngoài không nếu như họ không sử dụng hết nguồn điện này?
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/52023 đã đề ra mục tiêu cụ thể liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Cụ thể là: "Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia".
Về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII cũng nêu rất rõ: Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu; trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng của các công sở và các cơ sở sản xuất kinh doanh để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Việc phát triển nguồn điện này tập trung vào tận dụng điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng, đồng thời khuyến khích phải tự sản, tự tiêu dùng tại chỗ chứ không phục vụ cho mục đích kinh doanh, mua bán điện.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để thực hiện được chủ trương nêu trên của Chính phủ, cần phải xây dựng văn bản pháp luật để cụ thể hóa và đưa cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đi vào hoạt động.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; trong đó có những nội dung cơ bản như: Khái niệm về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; Quy định các công trình có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; và Đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.
"Dự thảo Nghị định nêu trên đang được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật", ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, Bộ đang tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định phê duyệt dự thảo Nghị định này./.