Khẩn trương có giải pháp di dời người dân đến nơi an toàn

Từ ngày 16/9 đến nay, tại khu vực bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) xuất hiện vết nứt tạo thành cung trượt lớn, đe dọa nguy cơ mất an toàn đến cuộc sống của 4 hộ dân với 18 nhân khẩu của bản.

Cung trượt có chiều dài khoảng 20m, chiều cao 12m (từ đỉnh cung trượt đến mặt đường) và diện tích cung trượt lên đến vài trăm mét vuông. Trong đó, có vết nứt lớn nhất chia cắt toàn bộ sườn đồi thành 2 phần riêng biệt. Với những vết nứt, cung trượt này nếu gặp mưa lớn thì nguy cơ sạt lở với khối lượng đất là rất lớn. Theo quan sát, vết nứt trên cung trượt ngày càng mở rộng, với khe hở vết nứt có những đoạn gần 40cm và độ sụt lún lên tới 1,5m.

Cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đến cuộc sống của 4 hộ dân với 18 nhân khẩu của bản Phiêng Ban.

Cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đến cuộc sống của 4 hộ dân với 18 nhân khẩu của bản Phiêng Ban.

Hiện đã có 2 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và 2 hộ khác đang đối mặt với nguy cơ đe dọa vùi lấp. Anh Cà Văn Chương, bản Phiêng Ban - một trong những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, cho biết: Vợ tôi bầu sắp đến ngày sinh, để đảm bảo an toàn tôi đã phải sơ tán đến nhà người thân. Chúng tôi không dám ở lại nhà nữa, sợ một đêm nào đó đất sẽ sập xuống. Ban ngày tôi về nhà tiếp tục với việc kinh doanh và theo dõi tình hình còn tối lại về nhà chị gái để ngủ.

Theo anh Chương, những năm trước, khu vực này cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất nhưng quy mô nhỏ hơn và không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Nhưng năm nay, tình hình trở nên nghiêm trọng khi xuất hiện thêm cung trượt. Với khối lượng đất sụt sạt lớn, tôi mong các cơ quan chức năng, cấp trên hỗ trợ kinh phí để chúng tôi khắc phục tình trạng trên.

Đất sạt vào một phần ngôi nhà anh Cà Văn Chương đang sinh sống.

Đất sạt vào một phần ngôi nhà anh Cà Văn Chương đang sinh sống.

Còn với anh Bùi Mạnh Cường thì vẫn chưa hết bàng hoàng, bất ngờ về sự việc. Anh Cường cho biết: Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 16/9, khoảng hơn 200m3 đất trên sườn đồi sau nhà đột nhiên sạt xuống làm đổ 5m tường bao. Mặc dù khoảng trống sau nhà còn 5m nhưng với lượng đất sụt xuống nhiều đã tràn vào cả khu vực nhà vệ sinh công trình phụ của gia đình.

Anh Bùi Mạnh Cường nhìn về phía sau nhà vẫn không giấu được tâm trạng lo lắng, bất an.

Anh Bùi Mạnh Cường nhìn về phía sau nhà vẫn không giấu được tâm trạng lo lắng, bất an.

Dù đã trải qua 5 ngày nhưng khi nhìn về phía sau nhà anh Cường vẫn không giấu được tâm trạng lo lắng, bất an, anh Cường chia sẻ: Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi cùng các hộ bị ảnh hưởng đã tiến hành cào, xúc và thuê xe chở lượng đất sạt xuống đi. Tuy nhiên, mặc dù đã hót, xúc 3 lần với số kinh phí bỏ ra hơn 30 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với gia đình nhưng cứ dọn đến đâu thì đất lại rơi, sạt thêm đến đấy nên chúng tôi đã tạm dừng việc đó.

Vết nứt ngày càng lan rộng.

Vết nứt ngày càng lan rộng.

Mặc dù chưa có thiệt hại gì song những ngày này gia đình ông Quàng Văn Hôm đang sống trong lo lắng. Bởi với vết nứt ban đầu khi mới phát hiện vào ngày 16/9 chỉ khoảng 20cm thì đến ngày 20/9, vết nứt đã sụt xuống hơn 1m. Ông Hôm cho biết: Từ đầu mùa mưa, nhà tôi đã bị ảnh hưởng tại một số công trình phụ, nếu thời tiết mà tiếp tục mưa thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Sau khi nắm bắt thông tin, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Nà Tấu đã vận động các hộ gia đình di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó kịp thời nguy cơ mất an toàn về người, nhà và tài sản.

Chủ tịch UBND xã Nà Tấu Lò Văn Toản tới kiểm tra tại khu vực có nguy cơ sạt lở.

Chủ tịch UBND xã Nà Tấu Lò Văn Toản tới kiểm tra tại khu vực có nguy cơ sạt lở.

Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, cho biết: Ngay sau khi phát hiện vết nứt vào ngày 16/9, tôi đã xin ý kiến để các hộ dân chặt hạ 2 cây to tại khu vực cung trượt để đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra tại hiện trường thấy nguy cơ sụt sạt tà luy dương làm ảnh hưởng đến nhà ở và tài sản khác. UBND xã đã chỉ đạo cho các hộ thực hiện di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất để người dân ổn định cuộc sống.

Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn xã và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên địa bàn xã Nà Tấu. Đã có 21 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao và phải di rời người, tài sản đến nơi an toàn; một số hệ thống thủy lợi bị sạt dưới đáy chân kênh, chân kè bảo vệ đất lúa của sông Nặm Rốm có nguy cơ gẫy và sụt kè bảo vệ... Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Nà Tấu đã vận động các hộ dân di chuyển đến ở tạm nhà người thân tại khu vực an toàn.

Bài, ảnh: Lan Phương – Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/218269/khan-truong-co-giai-phap-di-doi-nguoi-dan-den-noi-an-toan