Khẩn trương cứu hộ, cứu nạn người mất tích; tập trung ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tập trung cao độ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những tàu, tuyền, xà lan đang bị trôi dạt, gặp nạn, các trường hợp bị mất tích, chưa liên lạc được, ngay khi điều kiện cho phép.
Bão số 3 gây mưa lớn, nguy cơ ngập úng diện rộng, sạt lở đất
Chiều 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giao ban thứ 3 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cấp độ gió ở Quảng Ninh, Hải Phòng đã giảm sau khi tâm bão số 3 đi sâu vào đất liền. Tâm bão số 3 đang trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ, có sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13, tốc độ di chuyển 10 km/h.
Dự báo, trong đêm 7/9, tâm bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phía bắc Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên. Tiếp đó, bão sẽ di chuyển đến Hòa Bình, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa. Khu vực Tây Bắc Bộ sẽ có mưa từ 200-250 mm, lớn hơn dự báo ban đầu, do vậy, nguy cơ sạt lở tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cao hơn nhiều.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ có mưa lớn gây ngập, úng diện rộng.
Đã có 4 người chết; 5 trường hợp tàu, thuyền, xà lan đang bị trôi dạt, bị chìm có người bị mất tích
Thiệt hại sơ bộ đến nay, đã có 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1), 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương bị mất điện trên diện rộng.
Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương.
Đáng chú ý, hệ thống thông tin liên lạc tại tỉnh Hải Dương bị gián đoạn ở một số địa phương, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão.
Tại tỉnh Hưng Yên có 10.676 ha lúa, cây ăn quả bị ngập úng; gãy đổ hàng nghìn cây xanh, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái. Tỉnh đã huy động máy phát điện để chuẩn bị bơm tiêu úng cho các diện tích lúa bị ngập lụt.
Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn đã báo cáo về 5 trường hợp tàu, thuyền, xà lan đang bị trôi dạt, bị chìm có người bị mất tích, chưa liên lạc được.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng cho biết lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư đã sẵn sàng con người, phương tiện để triển khai tìm kiếm, ứng cứu tàu, thuyền bị nạn; khẩn trương tìm kiếm người mất tích.
Nhanh chóng khôi phục lưới điện, thông tin, giao thông; tập trung cứu nạn, cứu hộ, ứng phó mưa lớn
Phó Thủ tướng nêu rõ với thông tin dự báo mới nhất, các địa phương nằm trên đường đi của tâm bão như Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên… phải tập trung chỉ đạo, duy trì nghiêm lệnh cấm đường, duy trì lực lượng "4 tại chỗ" có sự phối hợp nhịp nhàng.
Sau khi bão đã đi qua, các địa phương vùng đồng bằng cần nỗ lực cao nhất, nhanh chóng khôi phục lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão; huy động các lực lượng tập trung hỗ trợ cho người dân có chỗ ở, cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, không để ai bị đói, bị rét.
Lãnh đạo các tỉnh trung du, miền núi phía bắc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, kéo dài do hoàn lưu sau bão, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan liên quan, tập trung cao độ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những tàu, tuyền, xà lan đang bị trôi dạt, gặp nạn, các trường hợp bị mất tích, chưa liên lạc được, ngay khi điều kiện cho phép.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại sân bay Cát Bi.
Tập trung phòng chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
22h ngày 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giao ban thứ 4 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác thống kê thiệt hại, triển khai biện pháp khắc phục hậu quả sau bão tại các địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, bão số 3 đổ bộ từ 15-18h, sức gió cấp 11 giật cấp 13, lượng mưa trung bình 100 mm. Mưa bão, gió giật đã khiến 105 đường dây trung áp (22 kV, 35 kV) và 16 đường dây 110 kV đang gặp sự cố khiến cho khoảng 500.000 khách hàng bị mất điện.
Tỉnh Hải Dương đang tập trung khắc phục, khẩn trương cấp điện trở lại để phục vụ công tác thống kê, khắc phục thiệt hại, đồng thời vận hành một số trạm bơm tiêu trên địa bàn các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc.
Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã báo cáo Sở Chỉ huy tiền phương về tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, các biện pháp phòng chống bão đã triển khai, một số thiệt hại về cây cối, nhà cửa, cây trồng nông nghiệp…
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3.
Theo báo cáo nhanh của TP. Hà Nội, bão số 3 làm 3 người chết, 8 người bị thương; 19 nhà, ki-ốt bị tốc mái; hư hỏng 7 xe ô tô; hàng nghìn cây gãy đổ; ngập 1.700 ha lúa… Đến nay, gió đã giảm nhẹ, mưa nhỏ. Sáng 8/9, các lực lượng sẽ tiến hành xử lý các cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đến thời điểm này có thể khẳng định bão số 3 đã suy yếu nhanh, các địa phương phải khẩn trương triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả.
Các tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình phải khẩn trương nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, người mất tích.
Các địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng.
Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc.
Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ./.