Khẩn trương dập ổ dịch tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Bộ Y tế nhận định có thể ổ dịch ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã qua 2 đến 3 chu kỳ lây nhiễm, nguy cơ dịch lan rộng toàn viện rất dễ xảy ra.
Chiều muộn 3/12, Bộ Y tế làm việc trực tuyến với lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) liên quan công tác xử lý ổ dịch vừa phát hiện tại đơn vị này.
Phát hiện 25 F0 trong 3 ngày
Theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lúc 8h ngày 1/12, đơn vị này phát hiện 2 bệnh nhân tại khoa Sản bệnh lý, tòa nhà BC, bị sốt và ho. Họ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh và cho kết quả dương tính.
Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu test nhanh cho các trường hợp cùng buồng bệnh với 2 F0 này phát hiện 15 ca dương tính. Hết ngày 1/2, đơn vị này phát hiện tổng cộng 22 F0 (trên tổng số 681 mẫu xét nghiệm). Đến ngày 3/12, tổng cộng 25 ca dương tính được phát hiện (trên tổng số 2.081 mẫu xét nghiệm).
Đáng chú ý, những trường hợp dương tính bao gồm nhân viên y tế, trong đó có nữ bác sĩ nội trú, người nhà và bệnh nhân. Số trường hợp tiếp xúc gần (F1) được truy vết là 87 và 260 người có liên quan.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chỉ đạo phong tỏa tòa nhà BC gồm 11 tầng và khử khuẩn toàn bộ. Các hoạt động khám, chữa bệnh khác của bệnh viện vẫn diễn ra bình thường.
Các F0 được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung và cơ sở điều trị Covid-19 Hoàng Mai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tòa nhà BC có nhiều khoa khác nhau, nằm tách biệt hẳn so với các khu vực khác của bệnh viện. Buồng bệnh của 2 F0 đầu tiên có 28 bệnh nhân và người nhà. Họ đều là những thai phụ mắc các bệnh lý như rau tiền đạo, rau cài răng lược đã điều trị lâu ngày.
Toàn bộ nhân viên y tế tại tòa nhà này có xét nghiệm âm tính lần 1. Dự kiến trưa 4/12, bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 cho toàn bộ bệnh nhân, người nhà và cán bộ nhân viên y tế tại tòa nhà này.
Dịch trải qua 2-3 chu kỳ lây nhiễm
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, nhận định ổ dịch ở bệnh viện này có thể đã qua 2 đến 3 chu kỳ lây nhiễm, nguy cơ lan rộng trong toàn viện.
Do đó, ông Khoa nhấn mạnh đơn vị này cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, ít nhất 3 ngày/lần để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nếu có khả năng thì thực hiện xét nghiệm mỗi ngày.
Phó cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh đề nghị bệnh viện cần kiểm soát nghiêm túc việc phong tỏa tại khu vực tòa nhà BC, ai ở đâu ở yên đấy, tuyệt đối không giao lưu trong các khoa, phòng với nhau.
Đặc biệt, 15 trường hợp dương tính trong số này mắc các bệnh lý sản khoa, nguy cơ tăng nặng. Ông Khoa đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương liên tục hội chẩn, phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị tốt cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng đề nghị bệnh viện nhanh chóng rà soát người bệnh điều trị tại viện chưa tiêm vaccine để có phương án bảo vệ họ, bởi đây là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2.
Đồng thời, bệnh viện cần phân luồng, sàng lọc chặt chẽ người bệnh, kiểm soát việc thăm nuôi, nếu phát hiện người có triệu chứng phải xét nghiệm ngay. Trong bối cảnh dịch Covid-19 trong cộng đồng ở Hà Nội có xu hướng tăng cao, tất cả cơ sở y tế trên địa bàn càng phải cảnh giác hơn nữa.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho hay hiện các sản phụ F0 tại đơn vị này có sức khỏe ổn định, chưa có triệu chứng. Nữ bác sĩ nội trú có tải lượng virus thấp, cũng tình nguyện ở lại chăm sóc các sản phụ.
Chiều tối 3/12, Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn bệnh viện và nhân viên y tế trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Trong hơn một tuần gần đây, số F0 tại thành phố liên tục tăng. Ngày 3/12, Hà Nội phát hiện thêm 542 ca nhiễm nCoV, trong đó, F0 tại cộng đồng là 161 người. Số lượng còn lại là F0 được phát hiện trong khu cách ly (236) và vùng phong tỏa (145).
Đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 12.117 ca nhiễm, trong đó, F0 ngoài cộng đồng là 4.833.