Khẩn trương di dời các bè nuôi cá trên khu vực sông Cái Vừng
Chiều 21/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, vừa ký văn bản số 161/UBND-KTN yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức di dời lồng bè nuôi cá trên khu vực sông Cái Vừng đến nơi có điều kiện nuôi phù hợp, nhằm giảm thiệt hại người nuôi cá, giúp bà con an tâm sản xuất.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các phòng, ban có liên quan, UBND phường Long Sơn (thị xã Tân Châu), xã Long Hòa (huyện Phú Tân) và các xã lân cận thường xuyên theo dõi tình hình cá chết để có giải pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan khắc phục tình hình ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường (nếu có) qua đó, xử lý tình hình cá chết đột ngột trên sông Cái Vừng, giúp người dân ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng di dời bè nuôi cá từ sông Cái Vừng vào các vùng có điều kiện phù hợp.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang thực hiện rà soát và thông tin cho địa phương về tình hình xả thải của các nguồn thải ở khu vực sông Cái Vừng; thực hiện công tác quản lý môi trường tại các khu vực sắp xếp lồng bè neo đậu mới. Đồng thời, định kỳ phối hợp Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh An Giang thông báo đến các địa phương kết quả quan trắc chất lượng nước mặt và dự báo thủy văn tuần theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức tuyên truyền, tập huấn và giải thích rõ các hộ nuôi về điều kiện nuôi, vị trí neo đậu, các điều kiện cần trang bị và xử lý trong trường hợp khẩn cấp khi cá chết. Tổ chức rà soát lại các vùng nuôi cá trên sông đảm bảo điều kiện phù hợp và kỹ thuật nuôi, đặc biệt là mật độ nuôi, vị trí đặt các lồng bè cho phù hợp với quy định; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn về mặt kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho cá trong khi nuôi lồng bè; hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cá trong việc di dời, sắp xếp lồng bè tại vùng neo đậu mới.
Trước đó, như tin đã đưa, từ ngày 5 đến ngày 19/2, tại khu vực nuôi cá bè trên sông Cái Vừng từ Km số 3,5 đến Km số 10 thuộc địa bàn phường Long Sơn - thị xã Tân Châu và xã Long Hòa - huyện Phú Tân (An Giang) một số hộ nuôi cá trên bè hốt hoảng khi phát hiện cá nuôi trong các lồng bè có hiện tượng nổi đầu và chết hàng loạt; với tổng sản lượng thiệt hại hơn gần 100 tấn cá các loại như: cá chép dòn, cá lăng, cá he, cá điêu hồng, rô phi...
Sau khi nhận tin báo tình trạng cá chết tại tại khu vực nuôi bè trên sông Cái Vừng, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã nhanh chóng xuống hiện trường phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) và các cơ quan chuyên môn huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu tiến hành khảo sát nắm tình hình các hộ nuôi cá bè bị thiệt hại; hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục tạm thời như dùng máy sục khí oxy, rải oxy hạt, vớt bỏ số cá chết trên các bè; vận động người dân tìm biện pháp di dời bè sang khu vực khác để hạn chế tình trạng cá nổi đầu và chết.
Đồng thời, tiến hành thu mẫu cá, thu mẫu nước để gửi xét nghiệm bệnh và các chỉ tiêu môi trường nước liên quan khác. Thực hiện đo, test nhanh các thông số chỉ tiêu môi trường cơ bản về chất lượng nước như: DO, NH3, PH…
Kết quả test nhanh thông số tại hiện trường cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tại khu vực cá nuôi bè bị chết rất thấp dao động từ khoảng 0,5 đến 1,0 mg/l (thấp hơn nhiều lần so với mức tối thiểu oxy cho phép trong cho nuôi trồng thủy sản DO ≥ 4 mg/l - theo QCVN 38:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh) vào thời điểm nước đứng; vào buổi trưa khi nước chảy thì nồng độ oxy hòa tan tăng lên.
Nhận định ban đầu, cá nổi đầu và chết là do mực nước trên sông Cái Vùng xuống thấp, kết hợp dòng chảy yếu tạo nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ.