Khẩn trương điều tra vụ 21 học sinh nghi ngộ độc tại Gia Lai sau cỗ trung thu

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế Gia Lai điều tra, xử lý vụ 21 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm tại địa bàn.

Sau liên hoan trung thu, 21 học sinh đau bụng, nghi ngộ độc

Liên quan đến vụ việc 21 học sinh tại Gia Lai nghi ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu Sở Y tế Gia Lai điều tra, xử lý vụ việc.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm nghi gây ngộ độc; yêu cầu Sở Y tế tỉnh Gia Lai điều tra, xử lý vụ việc.

Trước đó, tại Trường Trung học Cơ sở Tôn Đức Thắng, 21 học sinh lớp 7/1 có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt. Các trường hợp này bị nghi ngộ độc trà sữa có trong liên hoan trung thu. Được biết, món chè này được mua tại Tiệm chè, trà sữa Cô Ba Sài Gòn (19 Phùng Hưng, thành phố Pleiku),

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai các nội dung như sau:

Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc. Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Được biết, tại Công văn số 2487 và Công văn số 3113 của Bộ Y tế đã quy định rõ các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Công văn nêu rõ: "Tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ( thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng".

Như vậy, để xảy ra vụ việc 21 học sinh nghi ngộ độc là một điều đáng tiếc. Sau khi điều tra, làm rõ, Sở Y tế tỉnh Gia Lai phải báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) theo quy định.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khan-truong-dieu-tra-vu-21-hoc-sinh-nghi-ngo-doc-tai-gia-lai-sau-co-trung-thu-17924091722303614.htm