Khẩn trương gỡ vướng trong hỗ trợ doanh nghiệp

Dù kinh tế Đà Nẵng những tháng qua đã tăng trưởng khá, song thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8,5% trong năm nay đòi hỏi thành phố cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN.

Một số chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ có mức hỗ trợ thấp hơn quy định Trung ương.

Một số chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ có mức hỗ trợ thấp hơn quy định Trung ương.

Trong 7 tháng đầu năm 2024 Đà Nẵng có 2.288 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 6.883 tỷ đồng (giảm 5,1% về số DN và giảm 31,4% về số vốn so với cùng kỳ). Trong khi đó, số DN tạm dừng hoạt động tăng 12% (3497 DN). Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh hiện vẫn nhiều khó khăn. Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có 40.223 DN với tổng vốn đăng ký đạt 257.065 tỷ đồng (đóng góp gần 76% tổng thu ngân sách nội địa năm 2023). TP đang triển khai 15 chính sách hỗ trợ DN của Trung ương và 14 chính sách của địa phương. Các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua đã giải quyết một phần khó khăn trước mắt của DN, tạo nguồn lực tài chính cho các DN duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tăng thêm động lực, "sức đề kháng" để DN phát triển, từ đó góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay các chính sách hỗ trợ DN của T.Ư tại Đà Nẵng đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho người nộp thuế với tổng số tiền là 11.775 tỷ đồng (miễn, giảm 7.956 tỷ đồng). Trong đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Chính phủ vào Khu công nghệ cao, Đà Nẵng đã thu hút được 25 dự án (9 dự án FDI tổng vốn hơn 661 triệu USD, 14 dự án đầu tư trong nước tổng vốn hơn 7 ngàn tỷ đồng). Với các chính sách đặc thù của địa phương đã hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng. Nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả như hỗ trợ phát triển OCOP, hỗ trợ khai thác thủy sản, khuyến khích phát triển sản phẩm lưu niệm, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới công nghệ…

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Tuyết Nhung-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP Đà Nẵng, nhiều chính sách hỗ trợ DN còn nằm rời rạc, chưa được kết nối một cách tổng thể để tạo ra chính sách hoàn chỉnh đối với từng nhóm đối tượng, vì thế gần như DN chỉ được tiếp cận dưới góc độ từng ngành, chứ chưa tiếp cận tổng thể các chính sách hiện có. Đà Nẵng có tới 98% DN nhỏ nhưng chưa xây dựng được những chính sách mang tính chất tổng thể để áp dụng chung đối với các DN nhỏ và vừa. Chưa kể, một số chính sách hỗ trợ của địa phương trùng lắp với các chính sách hỗ trợ của Trung ương gây lúng túng, khó khăn cho DN khi tiếp cận thông tin. Cũng theo bà Nhung, một số chính sách vẫn chưa đạt kết quả hỗ trợ như kỳ vọng do vướng thủ tục rườm rà, quy định các điều kiện, đối tượng hỗ trợ, thành phần hồ sơ để hưởng chính sách khá phức tạp, có nhiều bất cập, các hướng dẫn quy định chưa rõ ràng, tạo ra tâm lý e dè của DN khi làm thủ tục. Chẳng hạn quy định về điều kiện vay vốn có các yêu cầu bắt buộc về việc đóng bảo hiểm xã hội, không có nợ xấu tại thời điểm vay vốn đối với chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động ngừng việc, phục hồi sản xuất.

Ông Lương Công Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP cho biết, hiện nay có một số chính sách với thủ tục rườm rà, hồ sơ phức tạp, không rõ ràng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận chính sách của DN. Một số chính sách giá trị hỗ trợ còn nhỏ, manh mún; việc cân đối bố trí ngân sách để thực hiện chính sách vẫn còn rất khiêm tốn, số lượng DN tiếp cận để thụ hưởng chính sách chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa thực sự có tính tác động, lan tỏa. Đơn cử chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ mỗi năm ngân sách chỉ phân bổ khoảng 2 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn mới có 28 hộ dân được thụ hưởng với kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng… Ông Tuấn cho rằng, TP Đà Nẵng cần mạnh dạn hơn nữa đề xuất chính sách đảm bảo cả về lượng và chất để hỗ trợ DN, khắc phục tình trạng chính sách hỗ trợ DN còn rất thấp, thậm chí thấp hơn mức chi hỗ trợ của Trung ương quy định. Có như vậy mới tránh tình trạng đối tượng thụ hưởng thiếu "mặn mà" với một số chính sách đã ban hành. Ngoài ra, cần quy định điều kiện, thủ tục để DN tiếp cận chính sách thật sự "thông thoáng", tạo điều kiện dễ dàng nhất để đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng chính sách thì "cởi mở" nhưng điều kiện, thủ tục thì "bó lại".

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN bằng kinh phí thì tháo gỡ khó khăn về thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp DN phát triển, tạo ra động lực phát triển cho thành phố. Trong đó, cộng đồng DN rất quan tâm hiện nay là công tác cải cách thủ tục hành chính; các vấn đề liên quan về quỹ đất, cho thuê đất, đăng ký cấp đổi chứng nhận quyền sử dụng đất; các thủ tục liên quan về thanh kiểm tra thuế, hải quan… DN phản ánh thủ tục hành chính hiện nay khá rườm rà, mất thời gian khá nhiều của DN; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; chuyển đổi số còn chậm, một số chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đều đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Vẫn còn những rào cản không nhỏ trong gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

Văn Thuấn

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khan-truong-go-vuong-trong-ho-tro-doanh-nghiep-post299571.html