Khẩn trương hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
Để trực tiếp hỗ trợ người nghèo về nhà ở giảm bớt khó khăn, đảm bảo an cư lập nghiệp, ngày 10-8-2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Để trực tiếp hỗ trợ người nghèo về nhà ở giảm bớt khó khăn, đảm bảo an cư lập nghiệp, ngày 10-8-2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2). Việc thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TT được UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và các địa phương tập trung triển khai lập kế hoạch chỉ tiêu từng năm góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đạt tỷ lệ cao.
Qua khảo sát ở các địa phương, đa số hộ nghèo khó khăn về nhà ở nằm xen lẫn rải rác trong khu dân cư, tuyến dân cư. Nhiều hộ đang sinh sống tạm bợ trên các phần đất nông nghiệp cách xa khu dân cư, chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ, thiếu hệ thống giao thông, nước sinh hoạt hầu hết sử dụng trực tiếp nguồn nước mặt từ các sông hồ hoặc sử dụng nước mưa. Việc thoát nước và rác thải cũng chưa được xử lý, thiếu nhà vệ sinh, ở xa các trường học, trạm y tế nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ cải thiện nhà ở đều có những hoàn cảnh khó khăn như: Neo đơn già cả, không nơi nương tựa; bệnh tật đau ốm hoặc có con bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam, bị tâm thần không còn khả năng lao động hoặc gia đình đông con nhưng người lao động chính trong gia đình lại mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tàn tật do tai nạn, rủi ro… Phần lớn các hộ phải sống trong không gian chật hẹp, mất vệ sinh, chưa có điều kiện để nâng cấp, cải tạo, không đảm bảo môi trường tốt cho thế hệ sau phát triển toàn diện. Theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, có trong danh sách hộ nghèo do UBND xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 5 năm. Các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà ở với lãi suất vay ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Theo Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2978/QĐ-UBND ngày 31-12-2015, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh có nhu cầu vay vốn là 1.761 hộ. Sau gần 3 năm thực hiện chương trình, một số hộ nghèo ở các địa phương không còn nhu cầu vay vốn, có đơn xin tự nguyện rút khỏi danh sách trong Đề án đã được tỉnh phê duyệt nên đến cuối năm 2018 Sở Xây dựng đã phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh danh sách các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn trong Đề án xuống còn 1.566 hộ, giảm 195 hộ. Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thực hiện liên tục trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2016 và phải hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 5-2020, toàn tỉnh mới có 384/1.566 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở (tương đương khoảng 24,5%). Trong đó, huyện Nghĩa Hưng đạt tiến độ cao nhất với 50/76 hộ (tương đương 66%) đã được hỗ trợ vay vốn xây dựng, cải tạo nhà ở; huyện Ý Yên đứng thứ 2 với 61/172 hộ (tương đương 35%). Các đơn vị còn lại chỉ đạt tiến độ từ 16-30% số hộ có tên trong Đề án được hỗ trợ; riêng huyện Mỹ Lộc tiến độ thực hiện chậm nhất, mới chỉ có 2/40 hộ được hỗ trợ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở chậm tiến độ: một số hộ có tên trong danh sách ban đầu nay đã thoát nghèo, không thuộc diện được hỗ trợ nữa hoặc đã mất. Nhiều hộ chưa có nhu cầu vay tại thời điểm này do chủ hộ là người già cả cô đơn, người khuyết tật không còn khả năng lao động, những người cùng sinh sống thì không ở trong độ tuổi lao động. Mặt khác, có nhiều hộ không có khả năng tự huy động thêm kinh phí để thực hiện việc cải tạo nhà ở vì nguồn vốn của chương trình chỉ mang tính hỗ trợ số lượng thấp không đủ để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong khi giá nhân công, vật tư, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu ngày càng tăng cao. Ngoài ra, một số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trong diện đang cư trú tại các khu phố (tương đương cấp thôn) thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Nam Định và các huyện. Tuy nhiên, đối tượng được hỗ trợ vay vốn xây nhà ở theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 33 chỉ áp dụng đối với các hộ đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, khu dân cư thuộc phường, thị trấn hoặc xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp.
Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ chương trình hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai rà soát, lập danh sách các hộ nghèo có tên trong Đề án đến thời điểm hiện tại còn nhu cầu vay vốn hỗ trợ nhà ở; tiến hành lập kế hoạch triển khai cụ thể trong năm 2020. Dự kiến trong tháng 5-2020, sau khi có kết quả rà soát và kế hoạch của từng địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để thực hiện và hoàn thành mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đúng tiến độ đã đề ra. Trước mắt, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái” huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, dòng họ, quỹ phúc lợi xã hội... giúp đỡ các hộ trong diện được vay tạo nguồn vốn “đối ứng” để có thể xây, sửa nhà ở. UBND các địa phương cần chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc từ các nguồn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ thêm (ngoài mức hỗ trợ theo Quyết định 33) để động viên hộ nghèo cải tạo nhà ở./.
Bài và ảnh: Thành Trung