Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh

Ngày 29-8, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì làm việc với các sở, ngành về tình hình xây dựng Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tư vấn tiến hành xây dựng dự thảo đề án, lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương và đã kịp thời điều chỉnh. Theo đó, đề án hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt, hội nhập, chuẩn hóa, đa dạng về loại hình và phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ, vùng miền có phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong từng giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2030, đầu tư phát triển 1 trường cao đẳng công lập trở thành trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài lên 50%; đảm bảo phân luồng không thấp hơn 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 26-30% trên tổng quy mô tuyển sinh, đào tạo; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ toàn tỉnh cao hơn 40%...

Kết luận cuộc họp, ông Đinh Văn Thiệu chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu góp ý của các cơ quan, đơn vị để chỉnh sửa, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó phải nêu rõ danh mục cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; dự kiến tổng số lượng kinh phí để triển khai đề án để có phương án bố trí nguồn vốn hợp lý; đề xuất những ngành, nghề đào tạo mới phù hợp với định hướng phát triển và đáp ứng nhu cầu nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) của thị trường lao động; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho một số đối tượng đặc thù, hỗ trợ học phí cho học viên, sinh viên tham gia học những ngành, nghề trọng điểm…

V.G

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202408/khan-truong-hoan-thien-du-thao-de-an-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-tinh-32e65ab/