Vĩnh Phúc: bố trí phương án hỗ trợ công nhân nghỉ việc do mưa lũ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết có hơn 1.000 lao động thuộc các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh vừa qua. Việc giải quyết chế độ đối với số công nhân này sẽ như thế nào?

1.140 người lao động trong và ngoài tỉnh ảnh hưởng do mưa bão

Sáng 14/9, Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bão số 3 và mưa lũ đã gây ngập lụt, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cũng như đi lại của nhiều công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tính đến thời điểm trưa 11/9/2024, đã có gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo nhanh về tình hình người lao động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của mưa lũ. Trong đó, 15 doanh nghiệp báo cáo có 1.140 người lao động trong và ngoài tỉnh không đến làm việc do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt. Công ty TNHH Compal Việt Nam (KCN Bá Thiện, Bình Xuyên) là đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất với 753 lao động; Công ty TNHH Lợi Tín (Lập Thạch) có 145 lao động trong tỉnh nghỉ việc và Công ty TNHH MTV Giày Lập Thạch (Lập Thạch) có 58 lao động trong tỉnh nghỉ việc trong thời gian xảy ra mưa lũ.

Các doanh nghiệp cũng đã xây dựng phương án, chuẩn bị các phương tiện, điều kiện về nhân lực, vật lực, nguồn lực để phòng, chống mưa lũ và đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh. Đồng thời báo cáo thống nhất với Liên đoàn Lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc để có phương án giải quyết hỗ trợ người lao động.

Về phương án giải quyết, lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hầu hết các doanh nghiệp dự kiến cắt phép năm (được hưởng nguyên lương) đối với người lao động nghỉ do không thể đi từ chỗ ở đến nơi làm việc được.

Chia sẻ với khó khăn của người lao động, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ tiền đi lại cho người lao động tỉnh ngoài gặp khó khăn, ví dụ như Công ty Ô tô Toyota Việt Nam hỗ trợ tiền đi taxi hàng ngày từ nhà đến địa điểm xe đưa đón của Công ty đối với các lao động tỉnh Phú Thọ, do tuyến đường đi làm phải qua Cầu Phong Châu (đã sập do bão số 3).

Một số doanh nghiệp bố trí cho người lao động làm việc trực tuyến hoặc nghỉ làm. Phương án này áp dụng đối với những lao động trực tiếp mà không thể đến nơi làm việc vì mưa bão ngày 11/9 thì được cho phép nghỉ làm và đi làm bù vào thứ 7 ngày 14/9.

Với các vị trí lao động gián tiếp có thể làm việc trực tuyến, chủ sử dụng lao động cũng đã bố trí phương án cho phép người lao động làm việc trực tuyến. Có những trường hợp người lao động trọ ở khu ngập lụt đã được doanh nghiệp chủ động liên hệ chuyển chỗ trọ khác thuận lợi hơn.

Tiếp tục theo dõi, cập nhật các thông tin kịp thời hỗ trợ người lao động

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm, hiện tại chưa có doanh nghiệp báo cáo người lao động đang làm việc có nhu cầu ở lại doanh nghiệp do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phương án bố trí cho người lao động nếu có nhu cầu ở lại Công ty do ngập lụt như Công ty CP Giày Phúc Yên, Công ty TNHH Jahwa Vina, Công ty CP Tập đoàn Vitto Vĩnh Phúc…

Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp cấp bách, bắt buộc thực hiện để phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: Lương Giang.

Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp cấp bách, bắt buộc thực hiện để phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: Lương Giang.

Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật các thông tin về ảnh hưởng của mưa lũ đến tình hình lao động của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ. Hiện tại Sở đã chủ động liên hệ bố trí địa điểm lưu trú tạm thời cho người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có khả năng tiếp nhận khoảng trên 6.300 lao động lưu trú tạm thời trong tình huống xảy ra các sự việc khẩn cấp.

Sở LĐTB&XH đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên nắm tình hình lao động của doanh nghiệp trên địa bàn quản lý bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt; báo cáo kịp thời với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ.

Liên đoàn Lao động tỉnh thông qua công đoàn cơ sở các doanh nghiệp nắm bắt tình hình người lao động làm việc tại các doanh nghiệp gặp khó khăn về đi lại, chỗ ở… cần hỗ trợ để phối hợp với Sở LĐTB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành liên quan và người sử dụng lao động có phương án kịp thời hỗ trợ người lao động.

Đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động phòng, chống lụt bão tại đơn vị; chủ động xây dựng và thực hiện phương án ứng phó với các sự cố do thiên tai có thể xảy ra để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh cũng như an toàn của người lao động; bố trí chỗ ở cho người lao động không về được nơi cư trú do mưa lũ, ngập lụt.

Các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các văn bản, chỉ đạo của chính quyền địa phương nơi đóng trụ sở và các sở, ngành, đơn vị có liên quan về các biện pháp cấp bách, bắt buộc thực hiện để phòng, chống thiệt hại do thiên tai. Trường hợp doanh nghiệp không tự bố trí được nơi cư trú tạm thời cho người lao động thì báo cáo Sở LĐTB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc để được hỗ trợ.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-bo-tri-phuong-an-ho-tro-cong-nhan-nghi-viec-do-mua-lu.html