Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra
Chính quyền địa phương dựng biển cảnh báo, cấm người dân qua lại khu vực cầu Cây Cam, huyện Tuy An bị ngập nước. Ảnh: TRẦN QUỚI
Ngay sau bão đi qua, các địa phương và ngành chức năng nỗ lực khắc phục hậu quả, giảm bớt thiệt hại, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Khẩn trương sơ tán dân
Đến tối 10/11, toàn tỉnh đã sơ tán hơn 7.000 người đi tránh lũ. Trong đó, nhiều nhất là huyện Đồng Xuân với hơn 2.130 người. Lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên nhanh, gây ngập lụt tại nhiều vùng, nhất là các huyện Đồng Xuân, Tuy An. Nhiều vùng có nguy cơ ngập sâu như các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam của huyện Đồng Xuân; các xã An Định, An Dân của huyện Tuy An. Hầu hết người dân tại các vùng trũng thấp, ngập sâu đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Trên địa bàn huyện Tuy An, đến tối 10/11, nước từ thượng nguồn đổ về khiến các vùng trũng thấp bị ngập cục bộ. Riêng tại khu vực cầu Cây Cam đi An Nghiệp nước đã tràn qua đường chia cắt xã An Nghiệp. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện, cho biết: Trong ngày 10/11, các địa phương tiếp tục sơ tán trên 200 hộ (600 người) ở các xã vùng trũng: An Định, An Thạch, An Cư, An Nghiệp, An Dân đến nơi cao, nhà chống lũ trường học. Thiệt hại ban đầu do bão số 12 gây ra chủ yếu là hoa màu của nông dân, đường nông thôn bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn bị khoét hàm ếch, nhất là các tuyến đường thuộc xã An Định, An Nghiệp, An Lĩnh, An Xuân, An Hiệp… Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy An yêu cầu các địa phương, lực lượng tiếp tục thực hiện 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán dân, ứng cứu trong trường hợp mưa lớn, nước lên trong đêm. Đối với các xã miền núi, huyện đề phòng lũ quét, sạt lở đất khi trời mưa kéo dài, nhất là xã An Lĩnh.
Sau bão, huyện miền núi Đồng Xuân cúp điện toàn huyện. Đến 19 giờ ngày 10/11, mực nước sông Kỳ Lộ, sông Cô… tiếp tục lên cao, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện ngập sâu, chia cắt cục bộ. 12 hộ dân ở xã Xuân Lãnh trên đường đi làm từ TX Sông Cầu về bị kẹt ở xã Xuân Sơn Bắc đã được chính quyền địa phương bố trí nơi ăn ở. Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đồng Xuân, địa phương đã sơ tán 819 hộ (2.130 người) đến nơi ở an toàn. Các địa phương ở các vùng xung yếu, trũng thấp trên địa bàn huyện tiếp tục rà soát, tiếp cận, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Đảm bảo môi trường
Tại TP Tuy Hòa, bão số 12 đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, dân sinh trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, 200 cây xanh trên các tuyến phố gãy đổ, gây trở ngại giao thông cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Hai nhà của hộ dân ở xã Bình Ngọc bị tốc mái. Pa nô trước cửa Phòng VH-TT TP Tuy Hòa bị đổ ngã, hư hỏng; rơi vỡ kính và gạch ốp trên thân Đài tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (phường 8) và hư hỏng hệ thống điện. Nhiều dây điện bị đứt, cột điện bị nghiêng, răng nứt; máy biến áp cháy, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 290 triệu đồng.
Dốc Ruộng, xã Phú Mỡ tiếp tục bị sạt lở. Ảnh: HOÀI NAM
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên cùng lực lượng các xã, phường đã khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão gây ra về cây xanh và môi trường. Phòng Quản lý đô thị, Trung tâm Dịch vụ công ích kiểm tra khắc phục hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Điện lực Tuy Hòa tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị khắc phục sự cố điện trên địa bàn thành phố. Đồng thời kiểm tra, cảnh báo các điểm ngập lụt, sạt lở đất, đảm bảo an toàn giao thông; chuẩn bị phương án sơ tán người dân, di dời phương tiện, tài sản ở những nơi có khả năng bị ngập nước đến nơi an toàn.
Tính đến chiều 10/11, toàn huyện Phú Hòa ước tính thiệt hại khoảng 140 triệu đồng. Theo đó, nhiều cây xanh ở trung tâm thị trấn Phú Hòa bị đổ ngã; tuyến đường ĐH22 (đoạn trên cầu Bà Bông) và ĐH22B (đoạn từ đường kết nghĩa đến xã Hòa Quang Bắc) bị sạt lở taluy; nhiều bóng đèn, hộp đèn và dây dẫn bị hư hỏng.
Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết ngay sau khi bão đi qua, các địa phương đã huy động các lực lượng chức năng, đoàn thể rong dọn cây xanh bị đổ ngã trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Tuy nhiên có một trường hợp là ông Hồ Ngọc Bưng (SN 1985) trú thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng đi coi nước sông Ba trên kè Phú Lộc thì không may bị trượt chân té xuống sông và bị nước cuốn trôi. Ngay sau đó, người dân địa phương báo cáo lên chính quyền địa phương để huy động lực lượng tìm kiếm.
Khắc phục tuyến giao thông, hệ thống điện
Trên các tuyến đường bộ, do ảnh hưởng của bão số 12, giao thông trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại, nhiều tuyến đường bị ngập. Ngay từ sáng 10/11, trên tuyến quốc lộ 29, tại tràn qua đường thuộc xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, nước ngập 0,5m gây tắc giao thông. Nhiều tuyến đường khác cũng bị ách tắc giao thông do cây ngã đổ, nước ngập sâu như quốc lộ 25, 19C, ĐT647… Nhiều tuyến đường huyện, xã cũng bị ngập cục bộ.
Trong ngày 10/11 xảy ra một vụ tai nạn giao thông tại Km1354 trên quốc lộ 1 thuộc thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, làm một người bị thương, ô tô hư hỏng. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, mưa lớn đã làm sạt lở đất đá xuống đoạn đường sắt qua xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa. Ngành Đường sắt đã khẩn trương khắc phục để thông tuyến. Sở GT-VT đang tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước; phối hợp với các địa phương ứng trực, rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí bị ngập lụt, tắc đường.
Công ty Điện lực Phú Yên đã huy động 219 công nhân khắc phục hậu quả bão số 12. Theo ông Huỳnh Quốc Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, do ảnh hưởng của bão số 12, toàn tỉnh đã xảy ra 72 sự cố, với 37/58 xuất tuyến trung áp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, gây mấy điện cho 63/110 xã, phường, thị trấn. Các sự cố đã gây mất điện cho 1.640 trạm biến áp, làm hơn 190.000 khách hàng bị mất điện.
Để khắc phục thiệt hại do mưa bão, Công ty Điện lực Phú Yên đã huy động 35 nhóm công tác, với 219 công nhân và 24 phương tiện tiếp cận hiện trường, xử lý sự cố. Đến cuối giờ chiều, đơn vị đã khôi phục 542 trạm biến áp, cấp điện lại cho 62.638 khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 12.
Trong ngày 10/11, các tổ công tác làm việc đến 22 giờ đêm, nỗ lực khôi phục cấp điện cho khoảng 80-85% khách hàng bị mất điện. Tuy nhiên còn một số khu vực bị ngập sâu, ngành Điện vẫn chưa thể tiếp cận để thống kê, xử lý được; chủ yếu tập trung ở các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân); xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa); các khu vực dọc sông Kỳ Lộ, sông Bánh Lái, sông Bàn Thạch… “Những vị trí này sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế, đơn vị sẽ có phương án tiếp cận, xử lý riêng để đảm bảo cấp điện cho khách hàng một cách an toàn trong điều kiện nước lũ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp”, ông Long cho biết thêm.