Khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục cuộc sống sau bão

Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão số 4 từ khi cơn bão này vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào biển Đông. Nhờ có công tác chuẩn bị tốt nên các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp đã hạn chế được thiệt hại xảy ra.

Lốc xoáy làm 118 ngôi nhà và hàng quán ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái, hư hỏng. Ảnh: Phan Phước Trung

Lốc xoáy làm 118 ngôi nhà và hàng quán ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị tốc mái, hư hỏng. Ảnh: Phan Phước Trung

Đêm 27 và sáng 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.

Bão gây mưa lớn từ 150-300mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum, một số trạm mưa rất lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 362mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 344mm, Việt An (Quảng Nam) 628mm, An Long (Quảng Nam) 372mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337mm.

Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền/299.678 người di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn. Trong ngày 27/9, các địa phương ven biển miền Trung dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân/340.863 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương khu vực miền Trung cũng đã vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.

Đồng thời tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…; hạn chế tham gia giao thông khi bão đổ bộ.

Thực tế, mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bộ vào đất liền vào ban đêm, song cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ, chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, tính đến 11 giờ trưa 29/9, đã có 4 người tại Quảng Trị bị thương do lốc xoáy trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Gió lớn do bão làm 3 ngôi nhà bị đổ sập; 157 nhà bị tốc mái, hư hỏng, nhiều nhất là tỉnh Quảng Trị với 118 nhà. Sóng lớn đã làm 3 ghe nhỏ bị chìm (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1).

Mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt cục bộ tại 20 điểm trên các tuyến đường giao thông liên xã thuộc các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị).

Hệ thống điện bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 4 với hơn 9.400 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 9 xã, Gia Lai: 6 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163).

Ngoài ra, bão số 4 đã làm đổ 1 trụ ăngten Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam); hư hỏng nhà cửa 2 đồn Biên phòng Cửa Đại và Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam)...

Trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai bị gãy đổ.

Hiện, các địa phương khu vực miền Trung đang tiếp tục cập nhật tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Hơn 500 người dân trú bão tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ trở về nhà sau khi bão số 4 tan. Ảnh: Văn Vinh

Hơn 500 người dân trú bão tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ trở về nhà sau khi bão số 4 tan. Ảnh: Văn Vinh

Để sớm ổn định cuộc sống của người dân, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, trong đó, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông.

Khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.

Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân.

Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng.

Tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-khoi-phuc-cuoc-song-sau-bao-post454901.html