Khẩn trương khắc phục nơi hàng trăm hộ dân bị cô lập bởi bão số 4
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua, cây cầu tạm nối xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) với trung tâm huyện bị nước cuốn trôi. Tuyến đường độc đạo bị chia cắt hoàn toàn khiến giao thông đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn.
330 hộ dân bị cô lập
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Noru) và các đợt mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn dâng cao, chảy xiết khiến 2 nhịp cầu tạm tại Km25+300-ĐT.571 bị lũ cuốn trôi vào rạng sáng 28/9. Gần như toàn bộ người dân xã Vĩnh Ô bị cô lập hoàn toàn khi đây là cây cầu độc đạo nối trung tâm xã Vĩnh Ô ra bên ngoài.
1 tuần sau khi cơn bão đi qua, phóng viên trở lại xã Vĩnh Ô. 2 nhịp cầu tạm bằng sắt nặng cả chục tấn bị cuốn trôi vùi lấp dưới những lớp đất, đá. Dù nước sông thượng nguồn Bến Hải đã hạ bớt nhưng việc đi lại của người dân vẫn rất khó khăn khi nước chảy xiết. Nguy hiểm hơn, những cơn lũ quét từ thượng nguồn có thể đổ về bất cứ lúc nào khi miền Trung đang vào mùa mưa bão.
Để đến được trung tâm xã, phóng viên phải leo lên cây cầu đang thi công đầy sắt lởm chởm bên trên để đi bộ vào. Chỉ cần bước trượt một bước chân thì không biết điều gì xảy ra bởi bên dưới là lòng sông đầy đá và nước xiết.
Ông Trần Văn Tặng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô cho biết, cây cầu tạm bị nước lũ cuốn trôi đã khiến 330 hộ dân với khoảng 1.400 người bị cô lập hoàn toàn. Trước khi cơn bão số 4 đổ bộ, lực lượng địa phương, công an, quân sự đã hỗ trợ bà con nhanh chóng thu hoạch vụ mùa, chằng chống nhà cửa.
Đối với những hộ dân sinh sống dọc theo thượng nguồn sông Bến Hải, xã cùng các lực lượng chức năng đã vận động, tuyền truyền cũng như lên phương án sơ tán đến nơi an toàn khi thời tiết diễn biến phức tạp. Đồng thời, nhắc nhở bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm khi Vĩnh Ô nằm trong khu vực có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất.
“Nhờ vậy bà con không lo đói. Việc bị chia cắt hoàn toàn khiến giao thương khó khăn, thuốc men, y tế đang là vấn đế đáng lo ngại về lâu dài. Trong khi đó, xã có đến 98% là người Vân Kiều và có trên 71% hộ nghèo và cận nghèo” - ông Tặng lo lắng.
Để chia sẻ những khó khăn, cùng với các cấp chính quyền địa phương, nhiều mạnh thường quân đã đến hỗ trợ quà, thực phẩm, giúp người dân xã Vĩnh Ô qua lúc hoạn nạn. Tuy nhiên, để vận chuyển hàng hóa cứu trợ qua bờ bên kia, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phải sử dụng các loại thuyền thúng tạm bợ, nguy hiểm.
Nhanh chóng khắc phục
Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở GTVT nhanh chóng kịp thời khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhân dân đi lại và cứu hộ cứu nạn cho người dân trên địa bàn xã Vĩnh Ô.
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, công trình cầu tạm trên địa bàn xã Vĩnh Ô được triển khai đưa vào sử dụng từ tháng 11/2020, cầu gồm 3 nhịp, mỗi nhịp dài 12m, rộng 4m. Từ khi đưa vào sử dụng, cây cầu đã góp phần quan trọng vào việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, mưa lũ trong cơn bão số 4 vừa qua đã khiến 2 nhịp cầu dài 24m bị cuốn trôi.
Để kịp thời khắc phục việc hàng trăm hộ dân bị chia cắt, Sở GTVT đã trình phương án tận dụng 2 nhịp đầu cầu tràn hiện trạng và lắp đặt hệ dầm Benley có sẵn. Đồng thời, để ổn định thêm neo hệ dầm Benley vào trụ cầu mới đang thi công bằng cáp và tăng đơ, hạn chế thấp nhất việc bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lũ.
“Hiện UBND tỉnh đã thống nhất phương án này. Trong ngày 5/10, chúng tôi đã vận chuyển toàn bộ hệ dầm Benley vào khu vực cây cầu bị hư hỏng. Việc thi công sẽ diễn ra trong thời gian nhanh nhất. Dự kiến trong vòng 1 tuần sẽ hoàn thành, giải quyết sớm việc lưu thông cho hàng trăm hộ dân xã Vĩnh Ô đang bị cô lập” - ông Trần Hữu Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đốc thúc các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thiện cây cầu mới bê-tông cốt thép vững chắc dài trên 100m (cầu Km25+300 dự án nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây). Từ đó, góp phần đảm bảo giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa bão về.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của người dân Vĩnh Ô đó là vẫn còn hàng chục hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông có nguy sạt lở bất cứ lúc nào. Trong khi đó, quỹ đất của xã khó khăn khi thực hiện việc di dời, tái định cư cho những hộ dân trên.
Anh Hồ Văn Trinh (thôn Lền, xã Vĩnh Ô) chỉ về phía bờ sông đang sạt lở dần vào ngôi nhà cho biết, cứ mỗi mùa lũ bờ sông sạt lở vào thêm vài mét, còn đợt lũ lịch sử năm 2020 nước từ sông tràn lên nhà khoảng 1m nước.
“Bà con nơi đây mong muốn được chuyển đến nơi ở mới, chứ mỗi khi mưa bão về lại thấp thỏm không yên khi ở trong nhà” - anh Trinh lo lắng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tặng cho biết, qua rà soát, xã có 50 hộ với 157 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, đe dọa đến tính mạng. Xã cũng đang xây dựng đề án thực hiện khu tái định cư, định canh cho bà con với 175ha nhằm di dời những hộ dân này đến nơi an toàn.
“Chúng tôi cố gắng phối hợp với cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền nhằm nhanh chóng thực hiện đề án. Mong muốn làm sao để bà con ổn định đời sống, quan trọng là đảm bảo được tính mạng cho cả trăm người dân trên địa bàn xã” - ông Tặng cho biết thêm.