Khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão, lũ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế của tỉnh Ninh Bình đang có bước phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 8,19%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Trên đà khôi phục, phát triển và cùng với quyết tâm cao của tỉnh ta, mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP cả năm 2024 là 8% trở lên (vượt chỉ tiêu đề ra là 7,6%) hoàn toàn có cơ sở trở thành hiện thực.
Song, đầu tháng 9/2024, cơn bão YAGI (bão số 3) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại nặng nề cho rất nhiều địa phương, trong đó có Ninh Bình. Đây là cơn bão lịch sử mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông, cường độ bão tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Đặc biệt là hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng làm cho lũ trên hệ thống sông của vùng Đồng bằng Bắc Bộ tăng nhanh, nhiều nơi vượt đỉnh lũ...
Tại tỉnh Ninh Bình, gió bão cấp 5, giật cấp 7, cấp 8 và sau đó là hoàn lưu bão gây mưa to đến rất to đã làm cho 107 ha cây lâu năm, cây hàng năm, cây ăn quả và 41 ha rừng bị thiệt hại; hàng ngàn cây bóng mát, cây xanh và 190 cột điện bị gãy đổ; 3.600m dây trung cao thế và hạ thế bị đứt; 7 trạm biến thế trung cao thế và hạ thế bị hư hỏng; 4.923 ngôi nhà bị ngập nước, 1 ngôi nhà bán kiên cố bị thiệt hại nặng và 319 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; 3 điểm trường bị ngập úng; có 5 cơ cở y tế bị thiệt hại, trong đó có 4 cơ sở bị ngập úng; 2.115,8 ha lúa và 304,8 ha hoa màu bị ảnh hưởng; có khoảng trên 6.450 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; khoảng 2,75 km đê cấp III trở lên và 3,2 km đê cấp IV trở xuống bị sạt, nứt và xuất hiện mạch đùn mạch sủi; trên 5,5 km kênh bị hư hỏng; 04 trạm bơm bị hư hỏng; khoảng 1,67 km đường bị sạt lở, hư hỏng; 34,87 km đường bị ngập; trên 3.000 ha ao nuôi cá truyền thống, 26 ha diện tích nuôi cá da trơn, 133 ha nuôi tôm bị thiệt hại...
Gần 2.500 hộ bị thiếu nước sạch, trên 420 ha vùng dân cư có nguy cơ bị ô nhiễm. Tỉnh Ninh Bình không có thiệt hại về người, nhưng tổng ước tính giá trị thiệt hại là 376.590 triệu đồng. So với các tỉnh, thành phố khác, Ninh Bình bị thiệt hại do bão số 3 ít hơn nhưng cũng gây ra một số khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp bị sự cố mất điện do đổ cột, hỏng đường dây, trạm biến áp. Bão, lụt làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra...
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều hơn do mưa lớn trên diện rộng và một số xã, thôn ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị úng, lụt nhiều ngày. Các cây trồng như: lúa, rau, màu... bị đổ, dập nát, nhiều chỗ bị chết... làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Các con nuôi như: gia súc, gia cầm, cá, tôm... bị chết hoặc bị cuốn trôi theo lũ, lụt. Hoạt động du lịch, dịch vụ cũng bị gián đoạn trong những ngày mưa, bão.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhiều nơi bị hư hỏng, xuống cấp cần phải tu bổ, sửa chữa... Sau khi trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão, lụt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung kiểm tra, rà soát đánh giá thiệt hại do bão, lụt; kịp thời có kế hoạch tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi như đê, kè, cống, kênh, mương, hồ, đập để chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra tiếp theo, đồng thời khẩn trương ổn định tình hình đời sống Nhân dân và nhanh chóng đi vào sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai và giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm và theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ...
Thời gian chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm 2024. Nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, bão lụt đối với cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng còn diễn biến phức tạp. Trong điều kiện, hoàn cảnh đó, chủ trương của tỉnh là lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm nay đạt từ 8,0% trở lên.
Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao nhất của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân cùng đoàn kết, phấn đấu. Về sản xuất công nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu.
Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và thi công các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng của năm 2024. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công và tập trung cao độ chỉ đạo thực hiện giải pháp giải ngân các dự án đầu tư công...
Căn cứ vào khả năng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 và khả năng hấp thụ vốn của các dự án, kịp thời chỉ đạo, xây dựng phương án điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước chậm tiến độ, ưu tiên cho các dự án giải ngân cao, hoàn thành sớm và đem lại hiệu quả thiết thực. Về sản xuất nông nghiệp, tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa, triển khai sản xuất vụ đông theo chuỗi giá trị...
Tích cực khôi phục và phát triển chăn nuôi, nhất là các địa phương bị bão, lũ, lụt. Chủ động phòng chống các dịch bệnh cho cây trồng và các loại gia súc, gia cầm... Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Có các giải pháp phát triển dịch vụ, nhất là du lịch và các hoạt động dịch vụ bán lẻ, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2024. Tăng cường quản lý, điều hành giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm dịp trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025.