Khẩn trương khống chế bệnh sốt xuất huyết tại 3 tỉnh phía nam
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An bùng phát mạnh. Đây là cao điểm và diễn biến phức tạp trong năm. Nhiều trường hợp tử vong, trong đó có cả người lớn tuổi. Số ca nhiễm bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dịch bệnh tăng nhanh
Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết được tỉnh Long An triển khai thường xuyên và quyết liệt. Song, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn tỉnh và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở Y tế tỉnh Long An, tuần qua, địa phương đã ghi nhận 445 ca sốt xuất huyết, trong đó có 314 ca điều trị nội trú, 131 ca điều trị ngoại trú. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Long An đã ghi nhận hơn 6.900 ca, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Huyện Đức Hòa là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh Long An. Giữa tháng 4 đến tháng 6/2022, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng và đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn huyện.
Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu mùa mưa đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca sốt xuất huyết, trong đó, 32 ca nặng. So với cùng kỳ 2021, số ca bệnh tăng 1,9 lần và số ca bệnh nặng tăng 1,6 lần. Bệnh xuất hiện trên tất cả các huyện, thành phố. Trong đó, nhiều nhất là các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre, Mỏ Cày Nam.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, nhận định: Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Nguyên nhân, địa phương đang vào mùa mưa, muỗi vằn đẻ trứng và phát triển do người dân chưa xử lý các vật dụng chứa nước chung quanh nhà. Dịch sốt xuất huyết có tính chu kỳ 3-4 năm/lần. Khả năng năm 2022 hoặc 2023, dịch bệnh này có thể lặp lại chu kỳ.
Tính đến 3/8, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận hơn 3.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Cái Bè hơn 1.000 ca, Châu Thành khoảng 620 ca, Cai Lậy hơn 520 ca. Toàn tỉnh ghi nhận 3 người tử vong.
Gần đây, Tiền Giang ghi nhận một bệnh nhân là người trưởng thành tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân tử vong là bà N.T.V, 36 tuổi, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo. Bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết nặng sau điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi tử vong, bà V có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đã tự mua thuốc tây ở quầy thuốc tư nhân uống và đi làm công nhân ở một khu công nghiệp. Sau đó, bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, sốt lạnh run nên người nhà đưa đi cấp cứu và tử vong. Bà V được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, chính sự chủ quan của bệnh nhân, thân nhân khiến người bệnh chậm được phát hiện mắc sốt xuất huyết và cứu chữa kịp thời nên dẫn đến điều đáng tiếc hết sức đau lòng. Vì vậy, người dân khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết phải đến cơ sở y tế tầm soát bệnh và theo dõi điều trị. Việc phát hiện bệnh nhân mắc sốt xuất huyết bằng xét nghiệm máu hiện nay tất cả các cơ sở y tế đều có thể thực hiện.
Quyết liệt khống chế
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) chọn xã Đức Hòa Đông thực hiện mô hình “Chiến dịch diệt loăng quăng” bằng cách tập trung tất cả nguồn lực nhanh chóng khống chế dịch bệnh này.
Xã Đức Hòa Đông yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia, trong đó, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các biện pháp diệt loăng quăng, nếu không thực hiện sẽ đánh giá đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Mô hình “Chiến dịch diệt loăng quăng” bước đầu có kết quả rất tốt, giảm tỷ lệ loăng quăng và muỗi trên địa bàn. Qua 4 tuần thực hiện, từ 17 ca/tuần giảm còn 8 ca/tuần. Mô hình đang tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới.
Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, để kéo giảm tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất, Sở đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch và điều trị các ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết, nhất là công tác diệt loăng quăng và chuẩn bị hóa chất diệt muỗi để chủ động ứng phó với tình hình dịch diễn biến phức tạp, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Không để dịch bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre cũng đã thực hiện quyết liệt một số hoạt động then chốt như: Triển khai tất cả các văn bản tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế, Viện Pasteur, Sở Y tế.
Công tác truyền thông được thực hiện hầu hết các huyện, đặc biệt là các huyện có số ca mắc cao như: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri, Thạnh Phú… Ngoài ra, Khoa truyền thông giáo dục sức khỏe cũng phối hợp đài truyền thanh, đài truyền hình thực hiện các bài truyền thông, các buổi quay ký sự về phòng, chống sốt xuất huyết… Song song với đó, địa phương cũng đã tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp để cung cấp kiến thức phòng, chống các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại địa phương…
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân hằng tuần dành ít thời gian thực hiện những biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết thật cụ thể.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị các huyện, thị, thành chủ động tham mưu chính quyền cùng cấp chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức diệt loăng quăng.
Các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; tổ chức phun hóa chất 100% ở các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số trước và sau phun; tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng, chống Covid-19; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng hằng tuần nhằm phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn.