Khẩn trương lấy ý kiến Nhân dân về sáp nhập đơn vị hành chính
Các hoạt động ở các địa phương cho thấy sự khẩn trương, nỗ lực hết sức mình của các địa phương trên cả nước trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm việc với 3 địa phương về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính. (Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng)
Chỉ vài ngày sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, giữa tuần qua - ngày 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe 3 chuyên đề, trong đó có chuyên đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trước đó 2 ngày - ngày 14/4, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cũng đã ký ban hành Kết luận 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Ngày 14/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã ban hành Kế hoạch số 47 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp. Ban hành kèm theo Kế hoạch này là phụ lục nội dung, nhiệm vụ thực hiện sắp xếp sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống CQĐP 2 cấp. Phụ lục nêu rõ từng thời điểm trong năm 2025, 2026, các cơ quan hữu quan, các tỉnh, TP phải hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể.
Cũng trong ngày 14/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 758/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp; Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp. Đề án nêu rõ phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 ĐVHC cấp tỉnh; Kế hoạch chỉ rõ việc sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy…
Trên cơ sở hướng dẫn sát sao, kịp thời, vạch rõ từng nhiệm vụ, thời gian hoàn thành của Trung ương, một số địa phương đã họp thống nhất thành lập các Tổ công tác chung để thực hiện các nội dung nhiệm vụ Trung ương giao về sáp nhập như Yên Bái và Lào Cai; Quảng Ngãi và Kon Tum; Hưng Yên và Thái Bình… Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp có buổi làm việc vào chiều 19/4 với Thường trực Tỉnh ủy 3 tỉnh, gồm Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Phó Thủ tướng Thường trực hoan nghênh 3 tỉnh thời gian qua đã cùng nhau chia sẻ, đoàn kết, thống nhất, phối hợp tốt, tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo.
Một số địa phương đã sớm có quyết sách sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP 2 cấp. Điển hình, ngày 18/4, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua phương án sắp xếp 273 ĐVHC cấp xã thành 102 ĐVHC mới với 78 phường và 24 xã, bảo đảm chỉ tiêu giảm từ 60 - 70% của Trung ương và phù hợp tiêu chí về diện tích xã, phường.
Ngày 20/4, dù là chủ nhật nhưng HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vẫn tổ chức kỳ họp để xem xét và thống nhất thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã. Theo đó, tổng số ĐVHC cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh sau sáp nhập là 43 xã, phường (gồm 35 xã và 8 phường), giảm 60,19% so với hiện nay. Các đại biểu cũng thảo luận và thống nhất phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, là thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập ĐVHC tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC cấp tỉnh mới thành lập sẽ đặt tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Các địa phương khác lại đang tổ chức ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Nổi bật, ngày 20/4, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo về phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, TP Hà Nội với tổng diện tích gần 3.360km2, 30 ĐVHC cấp huyện và dân số khoảng hơn 8,5 triệu người, giảm từ 526 phường xã xuống còn 126. Sáng 20/4, Bắc Ninh cũng ra quân tổ chức thực hiện nội dung lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang và dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Bắc Ninh…
Việc các địa phương chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo từ Trung ương và phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các địa phương với nhau đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, nhất trí, không có tư tưởng quyền anh, quyền tôi, địa phương này, địa phương kia mà tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì Nhân dân. Đây chính là cơ hội, tiền đề để đất nước ta phát triển giàu mạnh trong giai đoạn mới như kỳ vọng, mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 16/4 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: Sáp nhập các xã, phường quá rộng không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được Nhân dân; Sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.