Khẩn trương nâng cấp vắc xin chống biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Barcelona (Tây Ban Nha). Ảnh: AFP/TTXVN

* Virus SARS-CoV-2 tồn tại dai dẳng "hàng tháng" trong cơ thể người

Trong khi hàng loạt quốc gia siết chặt quy định đi lại bằng đường hàng không với miền Nam châu Phi do lo ngại đợt bùng phát dịch toàn cầu mới do biến thể Omicron, các nhà khoa học đang nỗ lực thu thập thông tin và nghiên cứu biến thể này, trong đó quan trọng nhất là mức độ hiệu quả của các vắc xin hiện nay trong việc bảo vệ con người khỏi Omicron.

Hiện các hãng dược đang chạy đua với thời gian để nâng cấp vắc xin hiện có của mình nhằm ứng phó với các biến thể mới.

Các phát hiện gần đây đang vẽ ra một bức tranh nhiều gam màu sáng-tối. Các chuyên gia cho biết biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn và né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể (có được nhờ tiêm vắc xin hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm) tốt hơn bất kỳ phiên bản nào trước đây của virus. Tuy nhiên, các vắc xin sẽ tiếp tục giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Một nghiên cứu mới nhất, đăng trên tạp chí Nature ngày 24/12 vừa qua cho thấy các vắc xin hiện nay của Moderna, AstraZeneca, Pfizer và Janssen không giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Omicron, dù có tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, lượng kháng thể được tạo ra ở bệnh nhân đã bình phục thậm chí thấp hơn mức có thể ngăn chặn biến thể mới này. Nói cách khác, cả người đã tiêm và người đã từng nhiễm đều đối mặt với nguy cơ tái nhiễm do Omicron.

Đứng đầu nghiên cứu trên, giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học y khoa Columbia, ông David Ho cho biết: "Tiêm mũi tăng cường sẽ giúp tăng hệ miễn dịch ở một mức nào đó, song vẫn chưa đủ để ngăn chặn nguy cơ nhiễm Omicron". Theo ông, thuốc kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19 cũng không hiệu quả trong điều trị Omicron.

Nhóm nghiên cứu của Mỹ cho biết đã phát hiện các đột biến mới có thể lẩn tránh kháng thể trong các protein gai của Omicron, chính là nhân tố giúp biến thể này né tránh hệ miễn dịch tốt hơn bất cứ biến thể nào trước đó.

Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gai, loại protein trên bề mặt virus mà các vắc xin thông tin cho cơ thể nhận diện và tấn công. Một vài trong các đột biến này từng thấy trước đó.

Một số được cho là đã giúp biến thể Beta có khả năng né tránh vắc xin, một số khác từng tạo ra khả năng siêu lây nhiễm của Delta. Nhưng Omicron cũng có 26 đột biến gai chưa từng thấy, so với chỉ 10 đột biến ở Delta và 6 đột biến ở Beta. Nhiều trong các đột biến này giúp Omicron tránh né được hệ miễn dịch.

Trước tình hình mới, một chuyên gia sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), ông Jesse Bloom nhận định: "Chúng ta thực sự cần cảnh giác về biến thể mới và chuẩn bị sẵn sàng".

Các vắc xin mRNA của Moderna và Pfizer/BioNTech được xây dựng trên công nghệ cho phép nhanh chóng điều chỉnh. Người phát ngôn của Pfizer, bà Jerica Pitts cho biết các nhà khoa học của hãng "có thể nâng cấp vắc xin hiện nay trong 6 tuần và vận chuyển lô vắc xin mới trong 100 ngày" nếu một biến thể mới có thể né tránh hệ miễn dịch.

Về phần mình, hãng Moderna cũng đã nhanh chóng bắt đầu nghiên cứu ngay sau khi có thông tin của Omicron. Chủ tịch Moderna, ông Stephen Hoge cho biết dù chưa có dữ liệu về sự lây lan của Omicron nhưng rõ ràng biến thể này "là mối đe dọa lớn đối với các vắc xin", là sự kết hợp của tất cả những cuộc tấn công lớn nhất" của các biến thể. Theo ông, Moderna có thể nâng cấp vắc xin hiện nay trong 2 tháng và có kết quả thử nghiệm lâm sàng trong 3 tháng nếu cần.

Theo tiến sĩ Bloom, ngay cả khi các vắc xin có khả năng chống Omicron, xét ở góc độ nào đó vẫn sẽ cần các phiên bản vắc xin mới bởi virus tạo đột biến nhanh hơn dự báo.

* Trang tin Bloomberg ngày 26/12 dẫn một kết quả nghiên cứu cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 chỉ cần vài ngày để lây lan từ đường hô hấp đến khắp cơ thể người và sau đó có thể tồn tại dai dẳng "hàng tháng".

Trong phân tích được cho là toàn diện nhất cho đến nay về sự phân bố và tồn tại của virus trong cơ thể và não bộ, các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết họ phát hiện ra rằng mầm bệnh có khả năng nhân bản, tái tạo trong tế bào con người ngoài đường hô hấp.

Các kết quả này được công bố trực tuyến ngày 25/12 trong một bản thảo đang được xem xét để xuất bản trên tạp chí uy tín Nature.

Theo đó, việc chậm thanh lọc virus khỏi cơ thể là một nguyên nhân tiềm năng dẫn tới những triệu chứng dài dẳng ở những người khỏi bệnh hay còn được gọi là "Long COVID" (COVID kéo dài).

Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc hiểu cơ chế mà virus tồn tại, cùng với phản ứng của cơ thể hứa hẹn sẽ giúp cải thiện việc chăm sóc cho những người mắc COVID-19.

Ziyad Al-Aly, Giám đốc Trung tâm dịch tễ lâm sàng tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St Louis tại bang Missouri (Mỹ), người đứng đầu một số nghiên cứu riêng biệt về COVID kéo dài, nhận định: "Đây là nghiên cứu đặc biệt quan trọng. Bấy lâu nay, chúng ta vẫn đối mặt với câu hỏi tại sao COVID kéo dài dường như ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan cơ thể người như vậy. Nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ phần nào, giúp giải thích tại sao COVID kéo dài có thể xảy ra ngay cả với những người mắc ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng".

Các phát hiện trên chưa được các nhà khoa học độc lập xem xét và đánh giá, đồng thời chủ yếu dựa trên dữ liệu thu thập từ các ca tử vong bởi COVID-19 chứ không phải các bệnh nhân mắc COVID kéo dài hay theo gọi cách gọi khác là mắc "di chứng sau cấp tính của SARS-CoV-2".

Xu hướng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với các tế bào bên ngoài đường hô hấp và phổi đang là một chủ đề có nhiều tranh luận, với một số nghiên cứu cho những kết quả trái ngược nhau về khả năng này.

Nghiên cứu mới nhất kể trên được thực hiện ở NIH tại TP Bethesda, bang Maryland (Mỹ), dựa trên việc lấy mẫu và phân tích các mô được lấy trong quá trình khám nghiệm tử thi của 44 bệnh nhân qua đời sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong năm đầu đại dịch ở Mỹ.

T.LÊ tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269145/khan-truong-nang-cap-vac-xin-chong-bien-the-moi-cua-virus-sars-cov-2.html