Khẩn trương phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Sau một thời gian tạm lắng, thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu bò lại tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), toàn tỉnh đã có 10 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và TP. Đông Hà với tổng số 161 con bò mắc bệnh. Dự báo nguy cơ phát sinh những ổ dịch mới trong thời gian tới là rất cao nếu không có biện pháp phòng, chống kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi, Trạm trưởng Trạm CN&TY TP. Đông Hà Nguyễn Văn Bàn cho biết, ngày 27/3/2021 đã nhận được tin báo tại Khu phố 5, phường Đông Thanh có 3 hộ gồm Hồ Sỹ Hùng, Ngô Hữu Trí và Hồ Sỹ Sơn có 4 con bò bị bệnh trong tổng đàn 6 con với các triệu chứng như sốt, trên da cổ, vùng đáy chậu, bắp chân xuất hiện những nốt sần đường kính 2 - 5 cm; một số nốt sần đã bị vỡ, viêm loét… nghi mắc bệnh VDNC. Trạm CN&TY TP. Đông Hà cùng Chi cục CN&TY tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm bệnh VDNC. Căn cứ phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 2374/CĐXN-CĐ ngày 30/3/2021 của Chi cục Thú y vùng III, mẫu bệnh phẩm lấy tại con bò của hộ ông Hồ Sỹ Hùng đã bị bệnh VDNC. Riêng hộ ông Hồ Sỹ Sơn có 1 con bò trong tổng đàn 3 con có biểu hiện bệnh như nổi cục ở chân nhưng qua kiểm tra xác định không bị bệnh VDNC do một số nốt sần đã biến mất. Như vậy, tính đến ngày 31/3/2021 trên địa bàn phường Đông Thanh đã có 3 con bò thuộc 2 hộ được xác định bị bệnh VDNC. Theo ông Bàn, để phòng, chống bệnh, tránh lây lan, Trạm CN&TY đã hướng dẫn cách chăm sóc, chữa trị vật nuôi đối với chủ hộ có gia súc bị bệnh; yêu cầu hộ nuôi nhốt số bò bị bệnh tại chuồng; dùng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi; cấp hóa chất để vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đề nghị UBND phường Đông Thanh tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ có gia súc bị bệnh và khu vực xung quanh hộ chăn nuôi có bò bị bệnh; tiến hành thống kê tổng đàn trâu, bò trên địa bàn để làm cơ sở xin hỗ trợ vắc xin tiêm phòng; yêu cầu người chăn nuôi ký cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bị bệnh ra môi trường; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Đồng thời kiến nghị UBND TP.Đông Hà ban hành quyết định công bố dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò theo quy định. Chỉ đạo UBND phường Đông Thanh khẩn trương bố trí nhân viên thú y mới do nhân viên, cộng tác viên thú y phường đã xin nghỉ từ đầu năm 2021 nhằm làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Theo thống kê của Chi cục CN&TY, từ khi có ổ dịch đầu tiên tháng 12/2020 tại thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, đến nay đã có 27 thôn của 10 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và TP.Đông Hà xuất hiện bệnh VDNC với tổng số 161 con bò bị mắc bệnh; trong đó, chết và tiêu hủy 5 con với tổng trọng lượng tiêu hủy 1.447 kg. Đặc biệt, sau một thời gian tạm lắng thì từ đầu tháng 3/2021 đến nay, bệnh VDNC bùng phát và lây lan rất nhanh với 8 xã, phường, thị trấn có gia súc mắc bệnh gồm các xã Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Chấp, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh); Gio Mỹ, Trung Giang (huyện Gio Linh) và phường Đông Thanh (TP. Đông Hà). Mặc dù các ổ dịch đã được kiểm tra, xử lý kịp thời nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh là rất cao do đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi chưa hiểu được tính chất nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; nhiều ổ dịch chậm được phát hiện do người chăn nuôi không khai báo bệnh theo quy định, tự ý điều trị; hiện tại tỉnh chưa có vắc xin để triển khai tiêm phòng bệnh VDNC. Đặc biệt, hiện nay thời tiết thay đổi thuận lợi cho các loại côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, mòng, ve, bét… phát triển, trong khi đường truyền lây bệnh chủ yếu là do côn trùng hút máu làm lây lan dịch từ con bệnh sang con khỏe do tập quán chăn thả chung đồng giữa các địa phương.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thú y, bệnh VDNC là bệnh cực kỳ nguy hiểm với tỉ lệ gia súc bị chết so với tổng đàn có thể lên tới 1 - 5%; trong các ổ dịch tỉ lệ chết có thể lên đến 20% trên tổng số gia súc mắc bệnh. Nguyên nhân là do ngoài những nốt sần ở dưới da, vi rút có thể tấn công và gây ra các nốt loét ở miệng, vòm họng, khí quản; tấn công vào phổi và đường tiêu hóa gây ra các nốt ở trong phổi và màng nhầy đường tiêu hóa (dạ cỏ, ruột), gây viêm xuất huyết ở màng phổi; xuất huyết ở lá lách, gan, thận dẫn đến tỉ lệ chết rất cao. Trâu bò mắc bệnh VDNC thường sốt cao và bỏ ăn, cơ thể bị suy nhược; viêm khớp và nhiễm trùng kế phát gây khó khăn trong việc đi lại; nhiễm trùng kế phát khi các nốt sần vỡ ra. Đặc biệt, tỉ lệ mắc bệnh ở bò lai, bê, nghé cao hơn so với giống bò địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu đánh giá, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh VDNC bùng phát, lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh là rất cao do đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ; ý thức phòng, chống dịch của người chăn nuôi còn hạn chế; tình hình mua bán trâu bò chưa được kiểm soát tốt, trâu bò đưa từ nơi khác về được chăn thả chung với trâu bò của địa phương; thời tiết thay đổi thuận lợi cho các loại côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, ve, mòng, bét… phát triển và làm giảm sức đề kháng của trâu bò. Do vậy, để chủ động ngăn chặn, bảo vệ đàn trâu, bò tại các vùng bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC đã triển khai thì tiêm phòng triệt để vắc xin VDNC là biện pháp cấp thiết và hữu hiệu nhất. Ông Hậu cho biết, sau khi phát hiện bệnh VDNC trên trâu bò tại xã Vĩnh Tú và Trung Nam, huyện Vĩnh Linh vào đầu tháng 12/2020, từ ngày 25/1/2021 - 7/2/2021, Chi cục CN&TY đã triển khai tiêm phòng khẩn cấp 3.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho đàn trâu bò tại các xã có dịch gồm Vĩnh Tú, Trung Nam và các xã nguy cơ cao gồm Kim Thạch, Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh). Qua kết quả tiêm phòng và theo dõi giám sát sau tiêm phòng, đến nay đàn trâu bò được tiêm phòng vắc xin sức khỏe ổn định; các xã Vĩnh Tú, Trung Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Trên cơ sở đó, để nhanh chóng bao vây, khống chế và dập tắt dịch bệnh VDNC trên trâu bò, cùng với việc tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, Chi cục CN&TY đã có tờ trình đề xuất mua 50.000 liều vắc xin Lympyvac phòng bệnh VDNC, 500 lít hóa chất Hantox-200 để phun diệt côn trùng, ve mòng. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính sớm thẩm định, trình UBND tỉnh cấp kinh phí để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời.