Khẩn trương quy hoạch vùng huyện để thúc đẩy phát triển
Đây là chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản tại buổi làm việc với 4 địa phương sáng 6.7.
Sáng 6.7, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc liên quan đến quy hoạch xây dựng vùng huyện của 4 huyện: Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang gắn với trách nhiệm của các ngành, lĩnh vực liên quan.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, sở, ngành nghiên cứu kỹ các tuyến đường giao thông mới, điểm kết nối giữa các tuyến đường. Phân tích rõ các thế mạnh cũng như hạn chế của từng phương án giao thông đối với sự phát triển của địa phương cũng như các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị, logistics, từ đó điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp, nhất là tại những tuyến đường, điểm nút giao thông thế mạnh. Đồng chí yêu cầu trên cơ sở đánh giá quy mô, tổng mức đầu tư cần chỉ rõ mô hình, nguồn lực đầu tư phù hợp để tăng tính khả thi cho quy hoạch. Quy mô tối thiểu đối với đường tỉnh là đường cấp III; đường huyện là đường cấp IV; đường xã rộng 7,5 m; đường thôn, xóm, khu dân cư rộng 5,5 m.
Về quy hoạch sử dụng đất, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với ý kiến của các địa phương, sở ngành về bổ sung, điều chỉnh một số diện tích đất phục vụ công nghiệp, dịch vụ. Để không ảnh hưởng tới quỹ đất nông nghiệp, đồng chí đề nghị các địa phương, sở, ngành cần duy trì, tránh để ảnh hưởng tới diện tích các sản phẩm nông sản chủ lực, có năng suất và giá trị gia tăng cao như các vùng bảo đảm an ninh lương thực, vùng sản xuất tập trung, vùng trồng cây ăn quả có thế mạnh. Riêng đối với huyện Kim Thành, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phối hợp với đơn vị tư vấn để rà soát, cập nhật các công trình, dự án đã có kế hoạch sử dụng đất vào quy hoạch vùng huyện.
Tại buổi làm việc, các địa phương, sở, ngành đã trình bày, làm rõ một số nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Huyện Kim Thành xác định phát triển công nghiệp là mũi nhọn. Huyện tập trung nâng cấp, phát triển các trục giao thông kết nối như tuyến kết nối giữa cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với quốc lộ 18, tuyến đường nối đường vành đai 1 TP Hải Dương với quốc lộ 10, tuyến đường trục Đông-Tây của huyện. Đặc biệt, huyện sẽ ưu tiên đầu tư nút giao giữa quốc lộ 5 với đường nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và quốc lộ 18. Ngoài các khu, cụm công nghiệp hiện có, huyện Kim Thành quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp lớn với tổng diện tích khoảng 1.140 ha.
Huyện Thanh Hà xác định nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là ngành kinh tế chủ lực. Huyện quy hoạch tuyến kết nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với quốc lộ 18 cùng một số tuyến đường kết nối với trục Bắc-Nam, Đông-Tây tỉnh và kết nối với trung tâm TP Hải Dương qua cầu Bùi Thị Xuân. Tại nút giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, huyện quy hoạch 450 ha đất công nghiệp, từ 90-100 ha đất dịch vụ. Ngoài ra, huyện sẽ dành khoảng 50 ha đất phục vụ xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản. Đối với quỹ đất nông nghiệp, tổng diện tích đến năm 2030 được quy hoạch gần 6.100 ha. Trong đó vùng trồng cây ăn quả hơn 4.300 ha, phân bố chủ yếu trên 3 vùng: vùng vải thiều chính vụ, vùng vải sớm và vùng trồng ổi cùng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao.
Đối với huyện Tứ Kỳ, quy hoạch vùng huyện bổ sung nội dung liên quan đến khu du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điểm dân cư dọc sông Thái Bình với tổng diện tích 2.000 ha.
Huyện Ninh Giang tập trung đầu tư tuyến đường trục Đông-Tây huyện, tuyến đường nắn đường tỉnh 392; điều chỉnh quỹ đất công nghiệp tại xã Đồng Tâm, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn vị trí để bổ sung quy hoạch đất phục vụ xây dựng khu công nghiệp.