Khẩn trương, quyết liệt 'hạ nhiệt' giá phân bón

So với cùng kỳ năm 2020, hiện giá nhiều loại phân bón vô cơ đã tăng gấp hai đến ba lần. Những ngày qua, ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại phân bón khiến giá bán sản phẩm tăng cao. Trước thực trạng nêu trên, cơ quan chức năng cần khẩn trương, quyết liệt vào cuộc thanh tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu, phân phối phân bón, bảo đảm các đơn vị kinh doanh phân bón đúng chất lượng, bán đúng giá theo quy định của Nhà nước.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh: LÊ TRÚC

Dây chuyền đóng gói sản phẩm của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh: LÊ TRÚC

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá phân bón tăng liên tục trong khi “đầu ra” nông sản không ổn định, giá bán thấp khiến nhà nông phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Găm hàng để đầu cơ, tích trữ

Ông Nguyễn Minh Cảnh, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang) có 1,2 ha đất chuyên canh trồng lúa. Ông Cảnh cho biết: “Mỗi vụ lúa, trung bình tôi mua khoảng 10 triệu đồng tiền phân bón. Mới đây nghe thông tin phân urê khan hiếm hàng, tôi đến đại lý mua nhưng các đại lý nói không có hàng để bán. Chuẩn bị vào vụ đông xuân 2021 - 2022, giá phân tăng gấp hai, ba lần mà nguồn cung không có khiến chúng tôi rất lo lắng”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), gia đình thuộc diện khó khăn. Vào mỗi vụ sản xuất, ông phải ra các đại lý kinh doanh phân bón mua theo hình thức “ghi sổ”, đến khi kết thúc vụ mùa mới thanh toán. Hiện nay, giá lúa chỉ dao động trên dưới 5.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, ở mức 15.000 đến 21.000 đồng/kg. Như vậy, ít nhất 3 kg lúa mới mua nổi 1 kg phân bón. Với mức giá này, người trồng lúa thua lỗ nặng. Những ngày qua, khi thấy giá phân bón tăng cao, ông Tâm đã đến đại lý vật tư nông nghiệp đặt mua. Tuy nhiên, chủ đại lý không bán, với lý do vụ mùa mới chưa bắt đầu. Trong khi những năm trước các đại lý thường chào mời mua sớm. Theo nhận định của nhiều nông dân, các đại lý không bán hàng chủ yếu do một số loại phân bón đang khan hiếm và giá bán có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng. Họ sợ thiệt nếu cho nông dân mua ký nợ vào thời điểm này cho nên tìm cách giữ hàng, đợi giá cao mới bán.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cây công nghiệp lớn nhất Tây Nguyên. Thời gian qua, giá phân bón các loại đồng loạt tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của nông dân. Gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 2, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trồng được 2,5 ha cà-phê xen tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Thông thường mỗi vụ, gia đình ông phải đầu tư bảy tấn phân bón để chăm sóc cho cây trồng. Tuy nhiên, năm nay giá phân bón tăng cao nên ông chỉ bón được khoảng 50% số lượng phân so với các năm trước, phân bón bị cắt giảm khiến năng suất vườn cà-phê giảm mạnh. Ông Thành cho biết, phần lớn người nông dân mua phân bón theo hình thức ghi nợ tại các đại lý, đến cuối năm thu hoạch cà-phê về mới trả nên giá càng cao hơn. Hiện nay, dù giá cà-phê, tiêu tăng hơn 30% so với đầu năm nhưng giá phân bón quá cao nên chúng tôi không có lãi, thậm chí còn lỗ công chăm sóc, nhiều hộ chán nản bỏ cả rẫy.

Nói về việc khan hiếm phân bón trên thị trường, chủ đại lý vật tư nông nghiệp Thảo K.10 Nguyễn Thanh Thảo, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, từ giữa tháng 9 đến nay, giá các loại phân bón liên tục tăng nhanh, đặc biệt là phân urê. Đại lý đặt mua phân urê rất khó, có tiền cũng chưa chắc đặt mua được hàng. Vừa qua, để chủ động nguồn hàng cho bà con, chúng tôi đã đặt mua 20 tấn phân urê nhưng đến nay đại lý cấp 1 chỉ giao được 14 tấn. Muốn mua phân urê phải kèm theo các loại phân khác thì doanh nghiệp và đại lý cấp 1 mới chịu bán. Giữa tháng 9/2021, giá phân urê là 580.000 đồng/bao 50 kg, song đến thời điểm này đã tăng lên 840.000 đồng/bao 50 kg. So với cùng kỳ năm 2020, giá nhiều loại phân bón tăng từ 100 đến 120%. Hiện tại, phân DAP nâu giá 950.000 đồng/bao 50kg, DAP đen giá 970.000 đồng/bao 50 kg; NPK 20-20-15 có giá 900.000 đồng/bao 50 kg.

Phân urê là một trong những loại phân bón chủ lực mà nước ta có thể chủ động được nguồn cung. Hiện nay, cả nước có bốn nhà máy sản xuất phân urê, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là gần 2,7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của cả nước cần khoảng 1,8 triệu tấn urê/năm. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với công suất thiết kế và tình hình sản xuất, hiện tại nguồn cung phân urê trong nước không thiếu. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao thời gian qua ở nhiều địa phương lại xảy ra tình trạng khan hiếm phân urê? Phải chăng, giá phân urê tăng cao đã làm phát sinh hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tích trữ để đợi tăng giá bán kiếm lời. Ngoài ra theo phản ánh của nhiều nông dân, giá bán nhiều loại phân bón từ nhà máy đến người tiêu dùng cũng có sự chênh lệch khá lớn.

Do giá phân bón tăng cao, gia đình ông Y Phét Niê ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) phải hạn chế bón phân cho nên đã ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra

Với mức giá cao, chi phí phân bón hiện chiếm khoảng 30% trong tổng chi phí sản xuất. Trước đó góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, ngày 13/3, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực thực hiện các giải pháp duy trì nguồn cung, trong đó ưu tiên nguồn cung cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực chưa thật sự chia sẻ về vấn đề này.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng các quy định hành chính nhằm điều tiết giá thị trường rất khó khả thi khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, cùng thống nhất giải pháp, đề xuất bình ổn giá phân bón để trình Chính phủ. Trong đó, đề nghị doanh nghiệp sản xuất tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, hợp lý hóa chi phí và cố gắng có giá bán thấp hơn giá nhập khẩu. Đặc biệt, đối với những loại phân bón chủ động phần lớn nguyên liệu từ trong nước như phân urê, phải ưu tiên phục vụ thị trường trong nước, xem xét việc tạm dừng xuất khẩu. Trước nghi vấn các đại lý đang cố tình tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên cao, cơ quan chức năng cần khẩn trương kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh phân bón, không để tình trạng đầu cơ, tích trữ, tạo khan hiếm giả để tăng giá kiếm lời. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu phân bón, bảo đảm các đơn vị kinh doanh phân bón đúng chất lượng, bán đúng giá theo quy định của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, để góp phần bình ổn giá phân bón, bảo đảm nguồn cung, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây. Cùng với đó, phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán phân bón của các đại lý, nhà phân phối, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng gây sốt giá. Bên cạnh phân urê, hai loại phân bón chủ lực của nước ta hiện nay là phân lân và NPK, để bảo đảm nguồn cung các công ty sản xuất phải có giải pháp linh động. Đối với phân bón chứa lân, bao gồm supe lân và lân nung chảy, nguồn cung cấp hiện đang ổn định và khả năng giá tăng ít hơn so với các loại phân bón khác. Phân NPK đang gặp phải một số khó khăn. Thành phần quan trọng để sản xuất loại phân này là phân DAP. Nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn DAP nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát chặt việc xuất khẩu phân bón, khả năng các công ty sản xuất phân NPK sẽ thiếu nguồn hàng DAP. Chính vì vậy, nếu công thức NPK nào có dùng DAP thì doanh nghiệp nên chủ động thay thế bằng các loại phân bón chứa đạm và lân khác. Đối với phân kali, phân SA, Việt Nam nhập khẩu hoàn toàn từ các nước. Phân SA (sulphate amon) là phân đạm, có thể linh động thay thế bằng các loại phân bón chứa đạm. Phân kali phải nhập khẩu toàn bộ chủ yếu từ Nga, Belarus và khó có thể tìm loại phân khác thay thế. Để gỡ khó cho vấn đề này Nhà nước cần có khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu, dự trữ nguồn hàng, đồng thời có chính sách ưu tiên, cắt giảm một số thủ tục gây tốn kém, không cần thiết cho đơn vị nhập khẩu, kinh doanh phân bón.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/khan-truong-quyet-liet-ha-nhiet-gia-phan-bon-670555/