Khẩn trương rà soát các tuyến cao tốc

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổng rà soát 17 tuyến cao tốc để khắc phục 'bất cập về tổ chức giao thông'; nói cách khác là thiếu an toàn, có thể xảy ra tai nạn.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng với 2 làn xe. Ảnh: Võ Thạnh.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng với 2 làn xe. Ảnh: Võ Thạnh.

Nhiều tuyến cao tốc “có vấn đề”

17 tuyến cao tốc được Bộ GTVT yêu cầu khắc phục bất cập về tổ chức giao thông gồm: Cao tốc TPHCM - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Móng Cái, Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.

Về bàn giao đưa công trình đường cao tốc đang khai thác tạm vào khai thác chính thức, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị theo phạm vi, trách nhiệm quản lý, các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, hoàn thành công trình và phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam triển khai thủ tục bàn giao, tiếp nhận đưa công trình vào vận hành khai thác chính thức. Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT việc tổ chức tiếp nhận các công trình đã nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào vận hành sử dụng theo quy định pháp luật về xây dựng; trường hợp chưa tiếp nhận được thì nêu rõ lý do, kế hoạch tiếp nhận.

Trước đó, Bộ Công an đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về rà soát 11 tuyến cao tốc trên cả nước có các vấn đề, nguy cơ mất an toàn. Trong đó có 7 tuyến cao tốc thuộc diện thiếu an toàn, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn - QL45; Nội Bài - Lào Cai; Trung Lương - Mỹ Thuận; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm; Hà Nội - Thái Nguyên và Cam Lộ - La Sơn.

Các vấn đề được Bộ Công an chỉ ra như cao tốc không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập như hàng rào chưa khép kín, nguy cơ người và động vật xâm nhập vào cao tốc. Riêng với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm phát sinh khói bụi, cản trở tầm nhìn do vừa khai thác vừa thi công. Một số tuyến cao tốc không còn an toàn do đã xuống cấp, hằn lún như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn La Sơn - Cam Lộ.

Bộ Công an cũng đề nghị kết nối hệ thống camera giám sát cao tốc vào trung tâm thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông nhằm phối hợp giám sát, xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Nhiều vụ tai nạn giao thông trên cao tốc 2 làn

Như vậy, việc Bộ GTVT tải yêu cầu rà soát 17 tuyến cao tốc chỉ diễn ra sau khi Cục Cảnh sát giao thông khảo sát và có ý kiến. Trước đó, nhiều ý kiến đã cho rằng thiết kế cao tốc mất an toàn nhưng vẫn tiếp tục được triển khai mà không có sự điều chỉnh cần thiết. Trong đó có việc thiết kế “cao tốc 2 làn” là lạc hậu trước thực tế phát triển giao thông đường bộ. Rõ nhất là đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào hoạt động hồi giữa năm 2022 nhưng dự án này được xây dựng theo thiết kế và tính toán lưu lượng xe có từ năm 2009, tức là 13 năm trước đó.

Tính từ năm 2022 đến nay, sau khi nhiều tuyến “cao tốc 2 làn” được đưa vào sử dụng, theo cơ quan chức năng, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai (50 vụ tai nạn, 18 người chết); Hà Nội - Thái Nguyên (15 vụ tai nạn, 1 người chết); Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 (40 vụ tai nạn, 3 người chết); Trung Lương - Mỹ Thuận (21 vụ tai nạn, 3 người chết).

Riêng 2 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm Chỉ mới thông xe từ giữa tháng 5 năm nay thì tới nay cũng đã xảy ra 6 vụ tai nạn làm 5 người chết, 10 người bị thương.

Cũng cần lưu ý, ngày 2/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính dứt khoát không đầu tư cao tốc 2 làn xe, gây lãng phí vốn, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp. Thủ tướng yêu cầu tất cả cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu 4 làn ô tô, có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h.

Giới chuyên gia giao thông cho biết, “cao tốc 2 làn” xuất phát từ mô hình “thiết kế phân kỳ”, hay là “làm dần” vẫn được lưu thông sau đó hoàn thiện sau “trong tương lai”. Điều này bắt đầu từ việc ngành giao thông, chủ đầu tư dự án và cả địa phương đều muốn công trình được khởi công sớm, mà không tính tới hậu quả có thể xảy ra.

Tư đó cho thấy, dù chậm nhưng chắc vẫn là việc phải được ưu tiên. Cần điều chỉnh “cao tốc 2 làn” vì điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho nền kinh tế về lâu dài so với số chi phí phát sinh. Đặc biệt việc này sẽ giúp nhiều người tránh khỏi cái chết oan uổng do cao tốc mất an toàn. Đây là lợi ích vô giá mà không có tiền bạc nào có thể tính ra được.

Ưu tiên mở rộng cao tốc 2 làn tối thiểu lên 4 làn xe

Kể từ năm 2014, khi triển khai “cao tốc 2 làn”, đã có nhiều ý kiến góp ý. Theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (chuẩn quốc gia), tối thiểu trên mỗi chiều giao thông phải có 2 làn xe chính và 1 làn dừng khẩn cấp. Trường hợp các cơ quan đơn vị muốn làm đường cao tốc không đủ tiêu chuẩn trên thì phải điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc. Mặt khác, nếu chưa có đủ vốn thì không nên làm đường cao tốc có 1 làn xe ở mỗi chiều giao thông. Cần phải huy động đủ nguồn vốn rồi mới thi công xây dựng đường cao tốc đúng tiêu chuẩn, còn nếu cố xây dựng không đúng tiêu chuẩn đường sẽ rất nguy hiểm.

Về vấn đề này, nói với báo chí, ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT) cho biết, cả nước có 581km cao tốc được đầu tư phân kỳ quy mô 2 làn xe, gồm: 313km đã đưa vào khai thác; 104km đang xây dựng; 164km đang chuẩn bị đầu tư (tính đến tháng 10/2023). Việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc 2 làn hoặc 4 làn hạn chế dẫn đến một số khó khăn khi khai thác như tốc độ lưu thông chậm hơn, năng lực thông hành thấp hơn so với quy mô quy hoạch... Để khắc phục, ông Thành cho biết, Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng báo cáo phương án đầu tư, nâng cấp các đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ thành đường cao tốc phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế. Sau khi hoàn thành sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, cân đối nguồn vốn phù hợp để đầu tư. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng các đường cao tốc hiện đang khai thác với quy mô 2 làn xe và có lưu lượng giao thông lớn thành đường cao tốc có tối thiểu 4 làn xe.

Lý giải một số tuyến cao tốc được thiết kế 2 làn hoặc 4 làn hạn chế, không khác với quốc lộ, tỉnh lộ, đại diện Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000km đường cao tốc và cần nguồn vốn 813.000 tỷ đồng. Thực tế, giai đoạn 2010-2020 ngân sách mới bố trí 395.000 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thêm khoảng 178.000 tỷ đồng. Do ngân sách hạn chế, một số dự án cao tốc đã và đang được phân kỳ đầu tư, đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch. Về làn dừng khẩn cấp, Bộ GTVT đã chỉ đạo điều chỉnh. Những tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư bố trí thêm điểm dừng, mỗi điểm cách nhau 5km thay vì cách 10km như trước, chiều dài điểm dừng khẩn cấp từ 30m lên 170m.

Ngọc Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khan-truong-ra-soat-cac-tuyen-cao-toc-5743698.html