Khẩn trương tăng năng lực ứng phó dịch bệnh cho y tế cơ sở
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh trong tương lai từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa.
Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch từ y tế, công nghệ đến khoa học xã hội, chính trị, luật pháp… Từ đó góp phần xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, 3 đợt dịch đầu tiên chúng ta đạt được thành quả tốt. Giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, chúng ta đã kiểm soát hiệu quả các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Giai đoạn sau chúng ta đã trải qua những thời khắc rất khó khăn. Nhiều bài học đã được đúc rút và đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, huy động lực lượng phòng, chống dịch có lúc, có nơi làm chưa tốt. Vì vậy, bên cạnh những việc làm được, chúng ta cần nhìn lại vào những cái chưa được để làm tốt hơn.
Điểm lại một số đóng góp nổi bật trong công tác phòng chống dịch vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng phân lập được virus SARS-CoV-2 làm cơ sở để nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm. Nếu chúng ta không chủ động được nguồn sinh phẩm xét nghiệm thì rất khó triển khai xét nghiệm nhanh, đồng loạt với khối lượng mẫu rất lớn để theo kịp và ngăn chặn được sự lây lan của dịch.
Các nhà khoa học, DN của Việt Nam đã và đang nỗ lực tối đa trong nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19; bào chế, thử nghiệm các loại thuốc điều trị, kháng thể đơn dòng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Nhiều nghiên cứu dịch tễ, giải pháp công nghệ, phác đồ điều trị, phương thức xét nghiệm… do các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện, chuyển giao đã góp phần quan trọng vào kết quả công tác phòng, chống dịch.
Trong những đợt dịch đầu tiên, Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã góp phần hỗ trợ hết sức hiệu quả trong truy vết, khoanh vùng ổ dịch, chỉ điểm xét nghiệm dịch tễ… Nhiều công cụ công nghệ đã được xây dựng và sử dụng hiệu quả như khai báo y tế điện tử, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, quản lý người cách ly, hệ thống tổng đài tự động gọi điện thăm hỏi sức khỏe người dân, mạng lưới thầy thuốc đồng hành trực tuyến…
“Riêng mạng lưới thầy thuốc đồng hành đã huy động 10.000 bác sĩ, thực hiện 800.000 cuộc gọi để tư vấn, thăm khám trực tuyến cho hàng trăm nghìn bệnh nhân COVID-19 ở TPHCM, Bình Dương, xử lý cấp cứu gần 2.000 trường hợp”, Thứ trường Bùi Thế Duy cho biết.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, cho rằng qua những đợt dịch cho thấy cần xây dựng cơ chế huy động nhanh nhất tất cả các nguồn lực, đặt dưới sự chỉ huy, điều hành thống nhất để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nhanh nhất, tận dụng thời gian quý giá để khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định hiện tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước khác nhau, tỉ lệ tiêm chủng khác nhau… thì cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau. “Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả với những biện pháp điều chỉnh, bổ sung khi chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vaccine, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị”, GS.TS Trần Đắc Phu trao đổi và nhấn mạnh “các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, không thể áp dụng nguyên mô hình của những nước khác.
Ông Trần Đắc Phu đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn về giải trình tự gene, đánh giá kháng thể, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine tiêm ở Việt Nam, điều tra dịch tễ…
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, thời gian tới cần xây dựng ngay bộ tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ triệu chứng đối với bệnh nhân COVID-19 làm cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thăm khám trực tuyến, kết nối, điều phối giường bệnh ở các tầng điều trị, sản xuất các trang thiết bị y tế mà các đơn vị trong nước năng lực làm tốt thay vì phải nhập khẩu như máy đo nồng độ oxy trong máu, máy oxy khí nén, máy thở oxy dòng cao…
GS.TS, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhận định kinh nghiệm đợt dịch thứ 4 đặt ra yêu cầu tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở thực chất, hoàn chỉnh từ các tổ, đội y tế cộng đồng, cơ động đến các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện. Mạng lưới y tế cơ sở sẽ giám sát, ứng phó ngay lập tức với các nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng. Trung tướng Đỗ Quyết kiến nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN đặt đầu bài cho các trường y để triển khai chương trình tập huấn, cầm tay chỉ việc đến từng thôn, xóm, xã, phường.
GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc phân tích khung chính sách phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng để triển khai các giải pháp về an sinh, kinh tế, xã hội khi các địa phương từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới an toàn, quản lý được rủi ro cũng như mức độ sẵn sàng ứng phó của hệ thống khi dịch bệnh xuất hiện.
“ĐHQG Hà Nội đang triển khai nghiên cứu về tác động của dịch bệnh đối với khu vực kinh tế, cả chính thức và phi chính thức, bảo đảm thu nhập, đời sống của các tầng lớp nhân dân, tái cấu trúc về thị trường lao động, việc làm, các chính sách về giáo dục, trẻ em, người yếu thế…”, GS.TS Lê Quân cho biết thêm.
GS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện đang triển khai các đánh giá về chi phí phòng, chống dịch, tác động của dịch bệnh đến tâm lý xã hội, nền kinh tế.
Trước mắt, ông Bùi Nhật Quang đề nghị tăng cường các gói hỗ trợ cho các DN để giữ chân người lao động nhằm nhanh chóng khắc phục sự đứt gãy của các chuỗi cung, cầu. Đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế, đưa ra chính sách đột phá, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, quy định, chính sách.
Lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Những bài học từ ban đầu mang tính chủ trương, nguyên tắc như: Sớm, kiên quyết, dứt khoát, kết hợp khoa học với thực tiễn, nghĩ đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân chống dịch… vẫn rất đúng. Đồng thời, chúng ta đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch khi bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là trong điều hành, phối hợp giữa các lực lượng. Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên. Diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh. Từng bước bảo đảm được nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Ý thức người dân đã cao hơn một mức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc chung sống an toàn với dịch bệnh là ở trong trạng thái bình thường mới kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội.
Từ thực tế dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao ở quy mô toàn cầu, Phó Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh COVID-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai.
Về y tế, bên cạnh các chương trình đang triển khai về vaccine, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm… Bộ KH&CN cần duy trì cơ chế mở để giao nhiệm vụ KHCN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế. Bộ KH&CN, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ trong thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vaccine, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị điều trị…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa.
“Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng mong muốn các nghiên cứu của giới khoa học nước nhà đặt trong tổng thể chung của thế giới cũng như điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, để ra những khuyến nghị lớn để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, không làm mất đi những cơ hội phát triển.