Khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý tình trạng bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan phối hợp các địa phương, khẩn trương tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm và xác định nguyên nhân khiến bò sữa chết hàng loạt trên địa bàn.

Người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng lo lắng khi đàn bò bị tiêu chảy, bỏ ăn và chết chưa rõ nguyên nhân trong những ngày qua.

Người chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng lo lắng khi đàn bò bị tiêu chảy, bỏ ăn và chết chưa rõ nguyên nhân trong những ngày qua.

Ngày 7/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp Cục Thú y khẩn trương xác định nguyên nhân xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa để đề xuất giải pháp phòng, chống bệnh hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương thực hiện nội dung nêu trên; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường theo dõi, giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp; kịp thời phân bổ hóa chất cho các địa phương triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 3/2024 có hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Người chăn nuôi phản ánh tình trạng bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục.

Người chăn nuôi phản ánh tình trạng bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương và Đức Trọng khẩn trương tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm; không để bệnh kéo dài, lây lan và phát sinh các điểm phát bệnh mới; báo cáo đầy đủ tình hình bệnh và công tác phòng, chống cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y theo đúng quy định; khẩn trương thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh tại các nơi đang có bò mắc bệnh và trên địa bàn toàn huyện theo hướng dẫn của ngành thú y.

Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chưa có dịch tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng bệnh; có giải pháp ngăn chặn các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Bò sữa của người dân tại huyện Đức Trọng bị chết sau ít ngày tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục.

Bò sữa của người dân tại huyện Đức Trọng bị chết sau ít ngày tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục.

Theo báo cáo ngày 5/8 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã có 2.973 con bò sữa bị bệnh tiêu chảy; trong đó có 34 con bị chết. Theo nhận định, trong điều kiện mưa nhiều, ẩm ướt, trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương khác.

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu cơ quan chức năng và địa phương tập trung đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm; không để bệnh kéo dài, lây lan và phát sinh các điểm phát bệnh mới.

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu cơ quan chức năng và địa phương tập trung đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm; không để bệnh kéo dài, lây lan và phát sinh các điểm phát bệnh mới.

Ghi nhận vào ngày 7/8, tại 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã có hơn 60 con bò bị chết, hơn 2.000 con xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu, tụt sữa. Theo những hộ chăn nuôi bò sữa, tình trạng này xảy ra sau khi những con bò được tiêm ngừa vaccine viêm da nổi cục sau 7 đến 10 ngày.

Trước diễn biến trên, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã cho tạm dừng việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, đồng thời lấy mẫu để phân tích xác định tác nhân gây bệnh tiêu chảy.

BẢO VĂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khan-truong-trien-khai-cac-giai-phap-xu-ly-tinh-trang-bo-sua-chet-hang-loat-tai-lam-dong-post823130.html