Khẩn trương triển khai xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài

Hiện cửa ngõ từ TPHCM đi tỉnh Tây Ninh kết nối với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang các nước chưa có đường cao tốc. Do vậy, việc đẩy nhanh đầu tư dự án đường cao tốc này là hết sức cần thiết để đồng bộ với tiến độ khai thác đường Vành đai 3 sắp hoàn thành, tăng liên kết vùng và liên kết giao thông với các nước trong khu vực.

Nghẽn mạch vì độc đạo

Chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa TPHCM Bùi Văn Quản chia sẻ, dự án đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM đã được bàn thảo nhiều năm qua, thậm chí trước cả đường Vành đai 3 TPHCM. Tuy nhiên, đường Vành đai 3 hiện đã khởi công, còn cao tốc TPHCM - Mộc Bài chưa thấy gì.

Tương tự, ông Hoàng Sỹ Hoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Tây Ninh, cho hay, hiệp hội đã nhiều lần nghe các đơn vị quản lý vận tải, tài xế phản ánh tình trạng kẹt xe trên tuyến quốc lộ 22 bởi gần như đây là tuyến độc đạo nối TPHCM với Tây Ninh. Hy vọng các dự án giao thông mở rộng sớm được triển khai, đặc biệt là cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Khi cao tốc hình thành, được đưa vào sử dụng thì lượng xe chạy trên quốc lộ 22 sẽ được giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh vận tải và việc đi lại của người dân.

 Quốc lộ 22 quá tải thường xuyên ùn tắc giao thông

Quốc lộ 22 quá tải thường xuyên ùn tắc giao thông

Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết, thời gian qua, Tây Ninh cùng với TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An đã phối hợp và nghiên cứu các phương án giảm áp lực cho quốc lộ 22, tăng tính kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ. Nhiều tuyến đường giao thông kết nối vùng quan trọng đã được các tỉnh phối hợp đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ bài toán giao thông cho khu vực vẫn là tập trung triển khai càng sớm càng tốt dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Loay hoay chọn giải pháp

Trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài được điều chỉnh quy mô từ 6 lên 8 làn xe, dự báo nhu cầu vận tải đoạn qua TPHCM giai đoạn sau năm 2050 cần quy mô 8 làn xe. Tuy nhiên, dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ KH-ĐT) thẩm định và thống nhất quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe và giải phóng mặt bằng một lần với quy mô 6 làn xe trên toàn tuyến.

Do đó, hội đồng đã kiến nghị Bộ GTVT quan tâm việc điều chỉnh quy hoạch đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Song song đó, Hội đồng thẩm định đề nghị UBND TPHCM có báo cáo gửi Bộ KH-ĐT về giải trình, bổ sung và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

 Hầm chui nút giao ngã tư An Sương được đầu tư hoàn chỉnh nhưng tuyến quốc lộ 22 nhỏ hẹp gây ùn ứ nghiêm trọng. Ảnh: QUỐC HÙNG

Hầm chui nút giao ngã tư An Sương được đầu tư hoàn chỉnh nhưng tuyến quốc lộ 22 nhỏ hẹp gây ùn ứ nghiêm trọng. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo UBND TPHCM, tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài là 19.886 tỷ đồng. Cơ cấu vốn bao gồm các chi phí như xây dựng và thiết bị là 9.387 tỷ đồng; 6.900 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị, trượt giá là 1.614 tỷ đồng; lãi vay là 1.281 tỷ đồng... Về cơ cấu tài chính, phần vốn nhà nước 9.943 tỷ đồng, chiếm 50% tổng mức đầu tư, sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng...; còn lại là vốn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thẩm quyền phê duyệt dự án theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) trong trường hợp dự án đi qua 2 địa bàn hành chính cấp tỉnh trở lên chưa có quy định cụ thể.

Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài, UBND TPHCM kiến nghị, sau khi UBND TPHCM giải trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án, gửi lấy ý kiến biểu quyết của các thành viên Hội đồng thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao Bộ GTVT là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trong chuyến khảo sát cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các sở ngành, quận huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật quy hoạch và các thủ tục để sớm khởi công dự án trong thời gian tới.

Triển khai các dự án giao thông còn điểm nghẽn

Theo TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cần thay đổi tầm nhìn chiến lược về lợi ích phát triển của TPHCM, Đông Nam bộ, phải coi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia. Mặc dù các tỉnh vùng Đông Nam bộ đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách, hầu hết dự án kết nối giao thông liên tỉnh khu vực Đông Nam bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt nhưng việc triển khai còn lắm điểm nghẽn.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khan-truong-trien-khai-xay-dung-duong-cao-toc-tphcm-moc-bai-post724397.html