Khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người

Trước tình hình mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi với nhiều thủ đoạn mới, kết luận Phiên giải trình 'Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người' được tổ chức sáng 8.5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga yêu cầu các cơ quan hữu quan cần khẩn trương trình Quốc hội bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2024 dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để có khung pháp lý hiệu quả hơn cho công tác này.

Bảo đảm chặt chẽ về cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài

Các đại biểu đánh giá cao việc Ủy ban Tư pháp lựa chọn tổ chức Phiên giải trình "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người" bởi thực tế cho thấy, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như: lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân… để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu cũng ghi nhận Ủy ban Tư pháp đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho phiên giải trình với việc tổ chức các Đoàn khảo sát làm việc với các địa phương, bộ, ngành liên quan và đã có báo cáo rất toàn diện, sâu sắc, là nguồn thông tin quan trọng phục vụ việc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người (dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - PV).

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phân tích các thủ đoạn của tội phạm mua bán người thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết, qua khảo sát ở các địa phương, có ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với việc kết hôn và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài. Cùng ý kiến này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai cho rằng, vấn đề kiểm soát những trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay chưa chặt chẽ. Bộ Tư pháp cần làm rõ thời gian tới có những kiến nghị, đề xuất như thế nào trong việc sửa Luật Phòng, chống mua bán người cũng như để các quy định được chặt chẽ hơn đối với thực trạng kết hôn và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Giải trình về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu rõ, Bộ Tư pháp luôn xác định rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực kết hôn và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, trong đó có cả việc mua bán người. Tuy nhiên, kết hôn là quyền dân sự, một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật trong nước và quốc tế công nhận. Các quy định pháp luật có liên quan đến việc kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay đã tương đối chặt chẽ. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, vấn đề không phải là hạn chế, giảm số trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài mà phải nâng cao hiệu quả quản lý đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; phát hiện loại bỏ những trường hợp kết hôn không lành mạnh, không vì mục đích xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, các quy định về nuôi con nuôi, Nghị định hướng dẫn, Thông tư liên quan đến nội dung này cũng rất đầy đủ và phù hợp với công ước quốc tế, đáp ứng thực tiễn. Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác quản lý nhà nước để bảo đảm việc cho nhận con nuôi đúng mục đích, giảm thiểu tối đa nguy cơ mua bán người.

Hỗ trợ nạn nhân cần hiệu quả hơn

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Quan tâm đến đối tượng yếu thế, phụ nữ, trẻ em, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu rõ, qua quá trình khảo sát có thể thấy nạn nhân của tội phạm mua bán người phần lớn là phụ nữ, thậm chí cả trẻ em, trẻ vị thành niên, đặc biệt ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, giáp biên giới. Do đó, đại biểu đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm rõ thời gian tới có những giải pháp cụ thể nào để đưa vào chương trình giáo dục, định hướng phụ nữ, trẻ em tiếp cận được với kiến thức, quy định pháp luật để chủ động phòng ngừa trước những hành vi vi phạm, tránh bị lôi kéo trở thành nạn nhân của mua bán người. Đại biểu cũng nêu thực tế hiện nay các địa phương còn vướng mắc rất nhiều đối với vấn đề kinh phí. Tuy quy định pháp luật đã có nhưng mức hỗ trợ cũng chưa tương xứng và các nội dung chi chưa bao hàm được đầy đủ.

Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Tham gia giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, tại Điều 17, Điều 18 Luật Phòng, chống mua bán người quy định Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có những nhiệm vụ chính như tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân, tham gia giám sát, xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã cập nhật những diễn biến mới nhất của các hành vi mua bán người như: tình trạng mua bán người trong nước tăng, nạn nhân là nam giới xuất hiện nhiều hơn... để từ đó điều chỉnh nội dung tuyên truyền của mình, vận dụng mạng xã hội để có thể lan tỏa đến đông đảo hội viên hơn. “Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường hoạt động truyền thông, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực hỗ trợ nạn nhân toàn diện cả về y tế, tâm lý và tiếp tục kết nối khi họ đã trở về nhà”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc triển khai một số biện pháp phòng, chống mua bán người chưa đạt yêu cầu; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương còn hình thức, lồng ghép với công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm chung nên nội dung chưa phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, phong tục tập quán, hiệu quả chưa cao. Công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quang cảnh Phiên giải trình. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh Phiên giải trình. Ảnh: Quang Khánh

Qua đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng... để hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả hơn, nhất là trong hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của mua bán người.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khan-truong-trinh-quoc-hoi-sua-doi-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-i327075/