Khẩn trương ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày tới
Những ngày qua, mưa lũ diễn ra tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mưa lũ.
2 người chết và mất tích
Tại tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Trọng Sinh, sinh năm 1965, thường trú tại huyện Đăk Mil, đã bị nước cuốn trôi khi lội qua suối. Trước đó, ông Phạm Văn Tân, sinh năm 1981, thường trú tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng); tạm trú tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, do bị trượt chân xuống suối trên đường đi làm về cũng đã bị mất tích.
Mưa lũ tại các địa phương từ ngày 1/8 đến sáng nay (5/8) còn gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng. Theo đó, đã có 99 nhà dân bị hư hỏng; 288 ngôi nhà bị ngập, tập trung nhiều nhất là tại tỉnh Điện Biên với 117 nhà dân.
Sản xuất nông nghiệp cũng thiệt hại lớn với gần 9.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng (trong đó, riêng tại tỉnh Đắk Lắk là hơn 7.400ha). Hơn 173ha ao hồ đã bị tràn, vỡ. Hàng chục ngàn gia súc, gia cầm tại các địa phương cũng bị chết, cuốn trôi.
Mưa lũ cũng gây sạt lở 8.382m3 đất, đá đường giao thông nông thôn, 3.259m thủy lợi bị hư hỏng, chủ yếu tại tỉnh Điện Biên. Cùng với đó là 1 cầu dân sinh bị cuốn trôi (tỉnh Lâm Đồng); 2 cống thoát nước bị hư hại tại các tỉnh Điện Biên và Gia Lai.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận sáng 5/8 cho biết, trên địa bàn huyện Tuy Phong cũng xảy ra 3 vị trí sạt lở bờ biển, với tổng chiều dài 140m. Hiện chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dùng bao cát gia cố tạm thời các khu vực sạt lở, cắm biển cảnh báo để người dân được biết.
Đề nghị EVN vận hành an toàn hồ chứa
Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 8/8, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 220mm, có nơi trên 300mm.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, để chủ động ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngày 5/8, Văn phòng Thường trực đã có công điện đề nghị các địa phương huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Cũng theo ông Phạm Đức Luận, trong 7 ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn từ 150 - 250mm, và mực nước các hồ thủy điện có xu hướng gia tăng nhanh. Mực nước hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình chỉ còn thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ trong thời kỳ lũ chính vụ từ 1,1 - 1,68m.
Để ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ và đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn nước, trưa 5/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Cùng với rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị EVN triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.