Khẩn trương ứng phó với rét đậm, rét hại
Trong những ngày gần đây, nhiệt độ liên tục xuống thấp, có nơi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn.
Theo Đài khí tượng Thủy văn Tuyên Quang, bộ phận không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại diện rộng trên địa bàn tỉnh. Nhiệt độ thấp nhất lúc 7h ngày 24- 1 từ 09,1-10,5 độ. Ngành chuyên môn nhận định, đây là đợt rét có nền nhiệt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Diễn biến không khí lạnh sẽ tiếp tục duy trì, nhiệt độ thấp nhất các khu vực trong tỉnh phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao phía Bắc tỉnh có nơi dưới 7 độ C. Dự báo, rét đậm, rét hại kéo dài trong nhiều ngày tới và khả năng vẫn tiếp tục có các đợt rét cho đến Tết Nguyên đán.
Nền nhiệt độ xuống thấp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Một số trường THCS đã có thông báo cho học sinh học muộn hơn 15 phút do nhiệt độ hạ thấp. Bà Lý Thị Hương Mai, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) cho biết, thời tiết rét đậm, rét hại để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, trường đã lùi giờ vào lớp từ 7h xuống 7h15.
Đối với các hoạt động ngoài trời như: Chào cờ, thể dục trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến các bậc phụ huynh nhắc nhở con mặc ấm, đội mũ, đeo gang tay để giữ ấm cơ thể. Riêng đối với các trường mầm non, tiểu học đã cho học sinh nghỉ học, tránh những tác động xấu từ rét đậm, rét hại gây ra.
Sản xuất nông nghiệp chịu tác động trực tiếp và rất lớn từ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, rét đậm, rét hại đúng vào thời điểm các địa phương lấy nước làm đất và gieo cấy lúa xuân.
Nhiều diện tích lúa giống đã được gieo để chuẩn bị cấy vào trước, sau Tết Nguyên đán; chăn nuôi cũng đang đông đàn nhất đảm bảo nguồn cung sản phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán. Thời tiết bất lợi cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi bùng phát.
Hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp khẩn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn người sản xuất thực hiện ngay các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Đối với tiến độ gieo cấy lúa xuân, Sở chỉ đạo các ban quản lý công trình thủy lợi tranh thủ điều tiết nước từ Nhà máy thủy điện Tuyên Quang để tích trữ vào hệ thống kênh mương, ao hồ các vùng thấp trũng. Trên cơ sở đó, có kế hoạch bơm nước về các cánh đồng để bảo đảm tiến độ làm đất của bà con nông dân; các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con không ngâm ủ mạ vào những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C.
Những diện tích mạ đã gieo thực hiện bón lót đầy đủ, tăng lượng phân chuồng hoai mục cho mạ ấm chân. Đồng thời thực hiện che phủ cho 100% diện tích mạ, bón thêm lân, tro bếp, giữ ruộng mạ đủ ấm để chống rét cho mạ. Trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại bà con dừng ngay việc gieo, cấy.
Riêng đối với những diện tích lúa đã cấy, người dân cần giữ mực nước ổn định, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, lân tạo điều kiện cho cây lúa nhanh chóng bén rễ.
Bên cạnh việc vào cuộc tích cực của ngành chuyên môn, người nông dân cũng đã chủ động, linh hoạt ứng phó với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Ông Nguyễn Văn Hoạt, xã Tân An (Chiêm Hóa) chia sẻ, dù đã luyện mạ để cấy tuy nhiên thời tiết rét đậm, rét hại nên gia đình tôi dừng lại. Khi thời tiết nắng ấm chúng tôi mới đưa mạ ra đồng.
Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hầu hết chuồng trại gia súc đã được bà con che chắn, trong những ngày rét đậm vật nuôi được nghỉ làm, không thả rông, nuôi nhốt tại chuồng và bổ sung thêm thức ăn tinh, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Đàn gia súc, gia cầm vẫn được an toàn.
Bà Nguyễn Thị Đào, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, rét đậm, rét hại đang xảy ra, song người dân đã chủ động biện pháp ứng phó. Tính đến 12h ngày 24-1, chưa ghi nhận có thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do rét đậm, rét hại gây ra.