Khẩn trương xây dựng hệ thống truyền tải điện

Thời gian qua, hàng loạt các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió được đầu tư vào các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận... dẫn đến quá tải lưới điện truyền tải khu vực này đang báo động. Thực tế là hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất.

Điều này, đã và đang gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhằm giải quyết tình trạng này, nhà đầu tư kiến nghị sẵn sàng đầu tư xây dựng đường truyền tải và chuyển giao “không đồng” cho EVN quản lý vận hành.

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Quá tải lưới truyền tải điện

Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 90 nhà máy điện gió và điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.

Trong đó, riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12-2020, công suất điện điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ hai địa phương này cũng rất lớn. Với Ninh Thuận là từ 1.000 đến 2.000 MW và Bình Thuận là từ 5.700 đến 6.800 MW (gồm cả các nguồn điện truyền thống), kéo theo nhiều hệ thống đường dây, trạm biến áp khu vực này quá tải.

Cho phép Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đến hết năm 2020, hạ tầng đấu nối với công suất thiết kế 2.000 MW cũng phải hoàn thành. Thậm chí, để bù đắp cho phần công suất phát thiếu hụt giờ thấp điểm của các dự án điện mặt trời ở khu vực này, một nhà máy thủy điện tích năng công suất lớn cũng đã được quy hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, do việc triển khai đầu tư chưa đồng bộ giữa xây dựng nhà máy điện mặt trời và đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải; việc xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất vài tháng trong khi đầu tư một công trình lưới truyền tải phải mất ít nhất vài năm năm. Vì vậy sau 2 năm phát triển các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận đã có dấu hiệu chững lại do quá tải về hệ thống lưới truyền dẫn, đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất lắp đặt tạm 2 trạm biến áp 220kV Vĩnh Tân và Phước Thái dự kiến hoàn thành trong quý 2-2020.

Đây là một trong những giải pháp chính được EVN đề xuất tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 7-10 bàn về các giải pháp nhằm giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo tại khu vực này.

Nhà đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải

Quá tải đường chuyền tải điện mặt trời, đường chuyền tải tối đa là 1.000 MW, tuy nhiên công suất hiện tại đã trên 1.300 MW. Chính vì vậy tỉnh Ninh Thuận cần có một chính sách nhằm giải quyết điểm nghẽn này.

Đơn cử, dự án điện gió Mũi Dinh tỉnh Ninh Thuận có 16 tua-bin gió với công suất 37, 6 MW nhưng hiên tại chỉ có khoản 30% được tiếp nhận lên lưới điện mỗi ngày. Đây là 1 trong 24 dự án điện mặt trời của khu vực Nam Trung bộ bị thiếu hụt đường truyền dẫn. Điều này, gây thiệt hại đến hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Theo các chuyên gia về điện tái tạo, các dự án điện năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phát triển quá nhanh khiến mạng lưới truyền tải không đáp ứng kịp.

Phó Giám đốc Trung tâm phát triển sang tạo xanh Trần Đình Sinh cho rằng: “Cần thông qua tư nhân đầu tư xây dựng đường dây truyền tải 500KV mà Chính phủ và Bộ Công thương đang xem xét cho ý kiến. Việc đầu tư hệ thống truyền tải chưa có tiền lệ từ trước đến nay, thời gian tới nên có cơ chế để nguy động các nguồn kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân nhằm khẩn trương đầu tư vào đường dây 500KV. Rõ ràng, việc đầu tư này nhà nước hoàn toàn có lợi khi mà doanh nghiệp đầu tư xong rồi bàn giao không đồng”.

Theo ông Trần Đình Sinh, việc cho phép tư nhân đầu tư đường truyền tải điện vốn chưa có tiền lệ, trong khi Luật Điện lực cũng chưa nêu rõ, tuy nhiên, nếu như tư nhân đầu tư thì nhà nước được lợi.

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) Nguyễn Tâm Tiến - Chủ đầu tư "siêu dự án" điện gió và điện mặt trời với quy mô gần 300ha, tổng công suất 204 MW có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng tại tỉnh Ninh Thuận cho biết: Sau khi chúng tôi đầu tư thì có hai hình thức, một là bàn giao 0 đồng cho EVN quản lý vận hành khai thác toàn bộ tài sản này. Hai chúng tôi có thể thuê lại EVN để vận hành đường dây 500 KV.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận có 15/31 dự án điện gió và điện mặt trời được phép đầu tư đi vào hoạt động chưa kể 25 dự án đang chờ phê duyệt. Như vậy, xây dựng hệ thống truyền tải 500 KV để đến năm 2020 giải tỏa hết công suất 2.000 MKW theo Nghị quyết 115 của Chính phủ là vấn đề cấp bách ngay trong thời điểm này.

Vì vậy, rất cần sự chung tay của các bộ ngành... để tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy, bổ sung nguồn điện cho đất nước.

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Tổ hợp điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận

Cuộc sống người dân đổi thay

Từ khi các doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời “biến” vùng đất khô cằn xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận “trắng” về hạ tầng giao thông, nay hệ thống đường bê tông, đường nhựa vào các khu dân cư xung quanh dự án đã cơ bản hoàn chỉnh; nhà dân được xây mới khang trang hơn… Đó là điều ai cũng có thể nhìn thấy khi đi ngang qua khu vực này.

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời cũng tích cực chia sẻ lợi ích lại với cộng đồng như xây dựng trường học, đường sá, hỗ trợ người có công, gia đình chính sách… Nhờ thế, cuộc sống của người dân vùng dự án ngày càng khấm khá.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, Đạo Văn Rớt cho biết, Lãnh đạo tỉnh phát huy thế mạnh để thu hút đầu tư và phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về phát triển KT-XH, đơn cử, 2 xã Bắc Phong và Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.

9 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách của Ninh Thuận đã đạt con số đặt ra của cả năm và đây cũng là 2 năm liên tiếp thu ngân sách của Ninh Thuận vượt chỉ tiêu nhờ đóng góp phần lớn từ các dự án điện gió, điện mặt trời.

Giá trị công nghiệp - xây dựng của Ninh Thuận cũng tăng ở mức cao khi năm 2018 tăng hơn 15% và những tháng đầu năm nay đã tăng ở mức 21%. Trong đó lĩnh vực xây dựng của Ninh Thuận có sự đóng góp từ các dự án năng lượng sạch.

Ông Đạo Văn Rớt nhìn nhận, các chính sách, an sinh xã hội được các nhà đầu tư điện năng lượng chung tay đồng hành cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân vùng dự án đã góp phần không nhỏ cho phát triển KT-XH của Ninh Thuận. Đặc biệt là sử dụng lao động tại chỗ. Việc này là đáng ghi nhận khi người dân đã mất đất thì DN, nhà đầu tư cần chia sẻ một phần trách nhiệm với cộng đồng. Với 10.000 MW điện mặt trời của các dự án, khi đi vào vận hành sẽ giải quyết cho Ninh Thuận khoảng 8.000 lao động phổ thông làm việc trực tiếp tại các dự án này.

Về hiệu quả kinh tế khi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp so với làm dự án năng lượng, chuyên gia Đặng Đình Thống khẳng định, làm điện mặt trời là làm giàu cho Ninh Thuận dù sản xuất 1 MW điện cần 1ha đất. Nhưng với mức độ bức xạ lớn như ở Ninh Thuận, 1ha đất làm dự án điện mặt trời sẽ cho doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. Trừ đi chi phí, khấu hao, thu nhập từ làm điện mặt trời vẫn còn ở mức cao so với làm nông nghiệp.

QUỐC BẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khan-truong-xay-dung-he-thong-truyen-tai-dien-621903.html