Khẩn trương xử lý sạt lở, đảm bảo giao thông bước một những tuyến đường núi
Đợt mưa lớn cuối tháng 7 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể đối với hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đường vùng cao có độ dốc lớn, nền đất yếu xảy ra trượt sạt, bong nền đường, gây ách tắc, mất an toàn giao thông.
Đợt mưa lớn cuối tháng 7 vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể đối với hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đường vùng cao có độ dốc lớn, nền đất yếu xảy ra trượt sạt, bong nền đường, gây ách tắc, mất an toàn giao thông.
Theo chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị quản lý tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các phương án xử lý trượt sạt, đảm bảo giao thông nhanh nhất. Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình hiện quản lý hàng trăm km đường giao thông trên địa bàn tỉnh, chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Trong những ngày mưa liên tiếp cuối tháng 7/2024 gây ngập úng, trượt sạt nhiều điểm trên các tuyến đường, chủ yếu là đường vùng cao. Ước tính khối lượng sạt lở lên tới hàng nghìn m3, phát sinh nhiều vị trí sạt lở mái taluy dương, lấp rãnh dọc, đất, đá tràn ra mặt đường, nhất là ở các tuyến đường 433, 432, 432 B, 435…
Đường tỉnh 433 tại km 25+140 sạt lở mái taluy âm (trái tuyến) dài 20 m cách mép nhựa 50 cm, sâu mặt trượt 20 m, sạt lở toàn bộ sân tràn hạ lưu (phần tường kè bê tông nền đường cao 6 m, dài 8 m sạt trượt); tại km 2+640 trồi cao 1,5 m, dài 10 m, lấp rãnh khoảng 50 m. Đường 439 tại km 16+350 mặt đường đẩy trồi lún dài 30 - 40 m. Đường tỉnh 450 tại km 19+530 thuộc xã Sơn Thủy (Mai Châu) bị sói taluy âm dài 10 m, sâu 15 m; tại km22+570 sói taluy âm dài 9 m, sâu 8 m. Đặc biệt, trên tuyến 435 từ thành phố Hòa Bình - Thung Nai - Suối Hoa có nhiều vị trí trượt sạt phải khắc phục; tại km 27+750 (trái) hư hỏng mặt đường, vết nứt dài 35 m, rộng 35 cm, sâu 20 cm thuộc xã Suối Hoa (Tân Lạc); tại km 26+150 sói taluy âm dài 20 m, sâu 3 m gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó có hàng chục điểm khi mưa lớn bị ngập sâu, ách tắc giao thông.
Đồng chí Lê Tuấn Tuyến, Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình cho biết: Trên các tuyến đường được giao quản lý, công ty đã chủ động chuẩn bị nhân lực, máy móc, vật tư, xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để xử lý sự cố ách tắc, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Tại các điểm sạt lở lớn, nguy cơ cao mất an toàn giao thông, công ty đã huy động toàn bộ lực lượng, máy móc, thiết bị tham gia gác trực, phân luồng giao thông. Đối với các vị trí sạt lở taluy dương, đất, đá tràn mặt đường tổ chức rào chắn, cắm biển cảnh báo, hót dọn đảm bảo giao thông bước một. Đối với các vị trí đường, ngầm tràn nước ngập sâu, đơn vị phối hợp địa phương trực cảnh giới, rào chắn hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Theo Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình, thời gian tới, tình hình thời tiết khả năng còn diễn biến phức tạp, nguy cơ trượt sạt, ngập úng trên các tuyến đường rất cao. Đơn vị phân công lực lượng rà soát các vị trí xung yếu, nguy cơ phát sinh sạt lở, tổ chức các phương án đảm bảo giao thông nhanh chóng khi xảy ra sự cố; kịp thời sửa chữa hư hỏng, gia cố các vị trí xung yếu, cầu, ngầm nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Phân công nhân lực ứng trực thường xuyên tại các vị trí sạt lở, ngập úng để điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi xảy ra sự cố ách tắc; kiên quyết không cho người và phương tiện đi lại khi có nước lũ dâng cao và cảnh báo những khu vực nguy cơ trượt sạt để người dân cảnh giác. Khi xảy ra trượt sạt, tập trung huy động nhân lực, thiết bị để xử lý bước một đảm bảo giao thông nhanh nhất.