Khẳng định bản lĩnh ngành Ngân hàng giữ vững huyết mạch nền kinh tế
Sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa chiến lược hàng đầu là tiếp quản, ổn định và tổ chức lại hệ thống tài chính – ngân hàng tại các vùng được giải phóng. Trong bối cảnh kinh tế miền Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn, lạm phát cao, nhiều ngân hàng mất khả năng thanh toán và tài sản thất thoát nghiêm trọng, Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ đã triển khai lực lượng tiếp quản ngân hàng từ chế độ cũ kịp thời, không để hoạt động tài chính – tiền tệ bị gián đoạn, đồng thời ổn định kinh tế vào thời điểm đó.
Tiếp quản ngân hàng sau Giải phóng miền Nam: Bản lĩnh và thần tốc
Từ tháng 3/1975, trước khi mở Chiến dịch Tổng tiến công Sài Gòn – Gia Định, Bộ Chính trị đã có chỉ thị chuẩn bị tiếp quản và định hướng giải quyết các vấn đề kinh tế ở vùng mới giải phóng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nền kinh tế cả hai miền có nhiều cơ hội để kết nối và phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng lại đứng trước vô vàn khó khăn. Chính quyền cách mạng phải tiếp nhận một hệ thống ngân hàng trong tình trạng lạm phát trầm trọng và mất cân đối tài chính. Nhiều ngân hàng của chế độ cũ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán do tài sản bị kẹt trong các khoản nợ xấu hoặc đầu tư vào công phiếu không có khả năng thanh khoản.

Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là trụ sở NHNN Việt Nam tại TP.HCM)
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng đã có chủ trương kịp thời. Ngày 9/5/1975, cho phép tạm thời sử dụng giấy bạc của chế độ cũ để giao dịch. Đồng thời xúc tiến quốc hữu hóa, xây dựng và phát triển kinh tế quốc doanh, cải tạo gấp hệ thống ngân hàng, mở mang hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất và kinh doanh, xóa bỏ ngân hàng tư nhân.
Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ đã sớm quan tâm đến hệ thống ngân hàng ở các vùng giải phóng và giao cho ngành Ngân hàng có trách nhiệm chuẩn bị lực lượng và phương án để tiếp quản.
Việc tiếp quản ngân hàng được triển khai thần tốc từ miền Trung. Tại Quảng Trị – nơi được giải phóng từ năm 1972 – Ty Ngân tín đã được thành lập ngay sau khi Hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973. Ngay khi Thừa Thiên Huế được giải phóng ngày 26/3/1975, Đoàn cán bộ của Ngân hàng Nhà nước vào tiếp quản các ngân hàng của chế độ cũ và thành lập Ngân hàng Thừa Thiên Huế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

Ngân hàng Thừa Thiên Huế sau khi được thảnh lập. Ảnh tư liệu: Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2016
Tại Đà Nẵng – thành phố lớn nhất miền Trung, sau khi giải phóng ngày 29/3/1975, các ngân hàng công và tư đều bị đóng cửa, đặt dưới sự quản lý của quân quản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cử đoàn cán bộ 7 người do ông Lê Đình Khôi (lúc đó đang làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái) làm trưởng đoàn vào tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Đà Nẵng.
Ngân hàng cũ được tiếp quản đầu tiên là Nam Việt ngân hàng, tiếp đến là Trung Việt ngân hàng, Đông Phương ngân hàng, Thương tín ngân hàng.
Chấp hành lệnh của Chính phủ là phải thành lập các ngân hàng để đảm bảo cho hoạt động kinh tế không bị gián đoạn, như lời ông Nguyễn Quang Lâm (tức Tám Tú), Phó Chủ tịch Ban đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam ở Trung Bộ nói với đoàn: “Vấn đề cấp thiết là phải có một ngân hàng đối ngoại, để còn quan hệ với nước ngoài. Thí dụ Tòa lãnh sự Pháp ở Đà Nẵng đang kêu không biết lãnh tiền ở đâu. Rồi tàu bè ra vào cảng và các đoàn nước ngoài đến”.

Quân Giải phóng tại Nam Việt ngân hàng, Đà Nẵng. Ảnh: Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng
Trước yêu cầu cấp thiết này, 12 ngày sau khi đoàn cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Đà Nẵng, chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Đà Nẵng đã được thành lập (theo Quyết định số 31/QĐ, ngày 30/4/1975 do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Lâm ký). Ngay lập tức chi nhánh này bắt tay kiểm soát toàn bộ hồ sơ chứng từ, tiền gửi tiết kiệm, khế ước cho vay, bảng cân đổi tài sản... của các ngân hàng cũ vừa mới được tiếp quản. Đồng thời bố trí lực lượng để giải quyết các khâu cấp bách lúc đó như: xử lý ngoại hối nói chung, thu quét USD và các ngoại tệ khác đang lưu hành trong dân ở Đà Nẵng và các tỉnh thuộc khu V, xử lý vàng, đá quý lưu giữ trong các ngân hàng và đã thực hiện ngay một số hoạt động dịch vụ ngoại hối. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, các tàu biển đã có thể ra vào cảng Đà Nẵng. Trong đó, chiếc tàu đầu tiên là của Cuba mang hàng viện trợ cho nhân dân miền Nam, vùng đất mới giải phóng miền Trung.
Lực lượng cán bộ hùng hậu – nền tảng cho thành công
Việc tiếp quản hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn mang ý nghĩa chiến lược vì đây là trung tâm tài chính – kinh tế của cả miền Nam. Lực lượng tiếp quản được huy động từ ba nguồn: cán bộ của Trung ương Cục miền Nam; cán bộ tại chỗ từng làm việc trong ngân hàng chế độ cũ và đặc biệt là đội ngũ chi viện từ miền Bắc – những người có kinh nghiệm tại Vietcombank hoặc am hiểu thị trường tài chính quốc tế.
Cùng với tiến trình giải phóng, việc tiếp quản hệ thống ngân hàng kết thúc tại Sài Gòn: Tiếp quản hệ thống ngân hàng ở Sài Gòn, có nghĩa là tiếp quản toàn bộ hệ thống ngân hàng ở miền Nam, bởi Sài Gòn là trung tâm kinh tế - tài chính của toàn bộ miền Nam. Lực lượng cán bộ tiếp quản được hình thành từ 3 nguồn: Nguồn từ Trung ương Cục miền Nam, đứng đầu là ông Trần Dương, nguyên Phó Tổng Giám đốc NHNN Việt Nam, lúc đó là Phó ban Kinh tài miền Nam. Nguồn tại chỗ là số cán bộ trước đây đã từng làm việc trong các ngân hàng của chế độ cũ.
Sáng 1/5/1975, đoàn cán bộ do ông Lữ Minh Châu – Trưởng Ban quân quản ngân hàng – dẫn đầu đã hoàn tất tiếp quản Ngân hàng Quốc gia, Ngân hàng Việt Nam Thương tín và các ngân hàng còn lại trong cùng ngày. Trụ sở Ban Quân quản đặt tại số 17 Bến Chương Dương, nơi điều phối toàn bộ hoạt động tiếp quản và xử lý tài sản. Những viên chức ngân hàng cũ, kể cả Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, được mời đến làm việc và cung cấp thông tin.

Ông Lữ Minh Châu (1929 - 2016), nguyên Tổng Giám đốc NHNN Việt Nam
Theo sát bước chân của Quân giải phóng, đoàn cán bộ tiếp quản hệ thống ngân hàng cũng hành quân thần tốc, làm việc khẩn trương nên đến sáng 1/5/1975, đoàn cán bộ tiếp quản ngân hàng dưới sự lãnh đạo của Trưởng Ban quân quản ngân hàng Lữ Minh Châu (sau này ông là Tổng Giám đốc NHNN Việt Nam) đã lần lượt tiếp quản: Ngân hàng Quốc gia, Ngân hàng Việt Nam Thương tín và tất cả các ngân hàng còn lại khác chỉ trong ngày 1/5/1975.
Việc tiếp quản diễn ra trật tự, hiệu quả nhờ sự chuẩn bị chu đáo và chỉ đạo sát sao của cấp trên. Các loại tài sản, tiền mặt, hồ sơ, ngoại tệ, kim loại quý… đều được niêm phong, bảo vệ nghiêm ngặt để chuẩn bị cho bước xử lý tiếp theo. Sau tiếp quản, Chính quyền cách mạng đã kiểm soát được công cụ phát hành tiền và huy động tổng cộng hơn 150 tỷ đồng từ Ngân hàng Quốc gia và các ngân hàng tư nhân. Số tiền này được sử dụng cho các nhiệm vụ cấp bách như chi tiêu quân đội, mua lương thực, chi viện cho các khu vực trọng điểm như Trị Thiên và khu V.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng một đội ngũ cán bộ hùng hậu để tiếp quản và nghiêm túc chấp hành các chỉ thị của cấp trên, nên việc tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ đã diễn ra nhanh gọn ở Sài Gòn và các tỉnh, thành phố. Ban Quân quản Ngân hàng đã tiến hành niêm phong và bảo vệ tất cả các loại tài sản; quỹ tiền mặt nội, ngoại tệ, kim khí, đá quý cùng các hồ sơ tài liệu của ngân hàng để chuẩn bị cho bước xử lý tiếp theo.

Những cán bộ ngân hàng trong quân phục giải phóng ngày đầu tại Bến Chương Dương. Ảnh tư liệu: Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2016
Sau khi tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, Chính quyền cách mạng đã nắm được công cụ phát hành tiền trong tay, nắm được kho tiền của Ngân hàng Quốc gia và đã tập trung được quỹ tiền mặt của các ngân hàng tư nhân để làm phương tiện chi trả phục vụ các hoạt động của chế độ mới. Toàn bộ số tiền thu được là trên 150 tỷ đồng. Trong đó, tiền các loại trong kho của Ngân hàng Quốc gia có 125 tỷ đồng, quỹ hàng dự trữ lưu dụng 7,8 tỷ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỷ đồng. Với số ngân quỹ này, Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam quyết định dành phần lớn để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của quân đội, sử dụng 20 tỷ đồng mua lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, 15 tỷ đồng chi viện cho khu V và Trị Thiên.
Thành công trong việc tiếp quản hệ thống ngân hàng miền Nam là minh chứng sống động cho bản lĩnh, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao của ngành Ngân hàng. Với tốc độ thần tốc, sự phối hợp nhịp nhàng và lực lượng cán bộ vững chuyên môn, ngành Ngân hàng đã góp phần bảo đảm không để hoạt động tài chính – tiền tệ bị gián đoạn, nhanh chóng khôi phục nền kinh tế và ổn định xã hội sau chiến tranh.
Đó là một trong những dấu ấn lịch sử quan trọng thể hiện vai trò huyết mạch của ngành Ngân hàng trong tiến trình thống nhất đất nước và phát triển kinh tế.