Khẳng định giá trị bằng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Bằng đôi bàn tay khéo léo, anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Trung Hiếu, ở thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh (Phúc Yên) đã thổi hồn vào gỗ trong từng chi tiết chạm khắc, tạo ra những sản phẩm chất lượng, được nhiều khách hàng đón nhận. Đặc biệt, nỗ lực và tài hoa của anh đã được ghi nhận khi những bộ tranh và tượng phật do cơ sở sản xuất được cấp có thẩm quyền xếp hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao khi tham dự Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.

Mỗi năm, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Trung Hiếu xuất bán ra thị trường khoảng 40 bộ tranh đạt chứng nhận OCOP các loại.

Mỗi năm, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Trung Hiếu xuất bán ra thị trường khoảng 40 bộ tranh đạt chứng nhận OCOP các loại.

Năm 1995, anh Hiếu quyết định rời xa quê hương, lặn lội về tận làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) để vừa làm vừa học, hoàn thiện tay nghề. Năm 2006, anh Hiếu trở về quê hương gây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Trung Hiếu với diện tích nhà xưởng lúc bấy giờ chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông.

Bằng tâm huyết, ngọn lửa đam mê với nghề mộc cùng đôi bàn tay tài hoa và tư duy nhạy bén trong sản xuất kinh doanh (SXKD), anh đã thổi hồn vào những khúc gỗ thô cứng thành những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc và ấn tượng. Cũng từ đây, cơ sở của gia đình anh dần gây dựng được uy tín và chỗ đứng đối với người dân trong vùng.

Để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, anh Hiếu từng bước áp dụng khoa học công nghệ, máy móc kỹ thuật hiện đại vào quy trình gia công, chế tạo sản phẩm như: Cắt gọt, đục lỗ, đánh bóng, phun sơn, thiết bị chạm trổ tự động... Nhờ đó, sản phẩm làm ra đạt độ tinh xảo với mẫu mã đa dạng, ngày càng chinh phục được những yêu cầu khó tính của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Sau gần 17 năm dày công gây dựng sự nghiệp, đến nay, xưởng sản xuất của gia đình anh Hiếu được mở rộng, mỗi năm cung ứng ra thị trường 200 bộ sản phẩm các loại, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, lợi nhuận từ nghề mang lại cho gia đình anh thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, bộ sản phẩm do cơ sở sản xuất, gồm: Tranh quạt bát mã, tranh gỗ cá chép trông trăng, tranh gỗ Tứ quý Xuân - Hạ - Thu - Đông, tượng phật Di Lặc được cấp có thẩm quyền xếp hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao khi tham dự Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2022.

Những bộ tranh gỗ mỹ nghệ và tượng phật do cơ sở sản xuất chủ yếu được chế tác từ gỗ hương đỏ, vốn là loại gỗ quý và được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm được tạo ra dựa trên sự kết hợp của nghề thủ công mỹ nghệ và ứng dụng máy móc tự động hóa. Đối với anh Hiếu, đó là những sản phẩm không chỉ đơn thuần được chế tác từ gỗ, mang giá trị về mặt kinh tế mà còn là thành phẩm gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng của bản thân.

Để tạo ra những bộ tranh, tượng phật đạt chứng nhận OCOP, theo chia sẻ của anh Hiếu, đó là cả một chuỗi quy trình với nhiều công đoạn khắt khe, từ việc chọn nguyên liệu, chế biến, tạo hình, kiểm tra xử lý đến đánh bóng, phun sơn… “Đồ gỗ mỹ nghệ từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã và là niềm đam mê của rất nhiều người. Nó không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn là những vật phẩm phong thủy để cầu mong may mắn, sức khỏe, tài lộc và bình an cho gia chủ. Vì thế, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng gỗ, đặc biệt là tay nghề của thợ chế tác cũng phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trở lên” - Anh Hiếu cho biết.

Thời gian tới, anh Hiếu tiếp tục tập trung mở rộng thêm mặt bằng SXKD lên khoảng 400m2; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và tạo dựng kênh phân phối bán hàng. Ngoài ra, anh cũng mong muốn được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để cơ sở được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm… để từng bước đưa sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94884//khang-dinh-gia-tri-bang-san-pham-dat-chung-nhan-ocop