Khẳng định giá trị nông sản Việt Nam

Liên tiếp các lễ xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được tổ chức trong những ngày gần đây.

Liên tiếp các lễ xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được tổ chức trong những ngày gần đây.

Ngày 16-9, tại Gia Lai diễn ra lễ xuất khẩu các lô hàng chanh leo, cà-phê; ngày 17-9, tại Bến Tre diễn ra lễ xuất khẩu các lô hàng hoa quả. Trước đó, ngày 11-9, lô sản phẩm tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của chúng ta đã được thị trường châu Âu chào đón cho thấy giá trị và lợi thế của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Ðồng thời cũng chứng tỏ ngành nông nghiệp đã có sự chuẩn bị tốt để biến cơ hội thành kết quả thực tế, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Thâm nhập được thị trường châu Âu sẽ tạo điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khó tính khác.

Thời gian qua, ngoài sự nỗ lực tạo điều kiện về mặt thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp xuất khẩu từ các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đã hết sức chủ động, nhanh chóng thích ứng với các điều kiện của EVFTA.

Ðối với thủy sản, EU vốn là một thị trường trọng điểm, mang về giá trị kim ngạch cao trong nhiều năm qua cho nên EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục "mở ra cánh cửa" để ngành hàng này chiếm lĩnh thị phần lớn hơn nữa trong tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của toàn châu Âu. Trong khi đó, với mặt hàng cà-phê, EU cũng là địa chỉ tiêu thụ nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% tổng sản lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thống kê cho thấy, trung bình giá trị xuất khẩu cà-phê sang EU đạt 1,2 đến 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, trong tháng 8-2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7-2020. Rau quả Việt Nam cũng được đánh giá "rộng đường" vào châu Âu khi EU xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Lợi thế này được chứng minh khi tháng 8-2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau quả Việt Nam. Với những bước đi sẵn có cộng thêm việc hưởng thuế suất 0%, đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các nước chưa có FTA với EU. Ngoài các mặt hàng nêu trên, tính chung giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8-2020 đã đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7-2020.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, trong 10 năm qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU tăng trưởng không cao, đạt bình quân 6,7%/năm. Dự báo, xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, như gạo (tăng thêm 65%), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc, gia cầm (4%)… Như vậy, dư địa để hàng nông sản nước ta vào châu Âu còn khá lớn.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy lợi thế tại thị trường này thì các ngành hàng nông nghiệp còn nhiều việc cần hoàn thiện, như sản xuất và chế biến, tiêu thụ theo chuỗi khép kín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với những yêu cầu khắt khe nhất từ châu Âu. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển bền vững về môi trường, sử dụng lao động bởi đây là những vấn đề mà các quốc gia châu Âu đang hết sức coi trọng trong sản xuất nông nghiệp.

TIẾN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/khang-dinh-gia-tri-nong-san-viet-nam-617182/