Khẳng định giá trị thương hiệu từ chương trình OCOP
Theo ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất tại địa phương.
Những năm qua, Bảo Thắng đã nỗ lực triển khai, đưa chương trình OCOP trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương. Ngay từ năm 2018 (thời gian đầu thực hiện chương trình), Bảo Thắng đã ban hành kế hoạch, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, cơ sở, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, tư vấn kiểu dáng, nhãn hiệu và đẩy mạnh việc vận động người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ...
Với thế mạnh về đa dạng cây trồng, vật nuôi, người dân có trình độ sản xuất cao, tương đối đồng đều nên chương trình OCOP tại Bảo Thắng sớm gặt hái thành quả. Hiện nay, Bảo Thắng là địa phương “tốp đầu” về số lượng sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt “sao” với 27 sản phẩm. Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Bảo Thắng đã khẳng định lợi thế trên thị trường và được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước, phục vụ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, huyện cũng hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt sao duy trì, nâng cao sản phẩm, phấn đấu tăng sao trong thời gian tới.
Bưởi Múc là loại cây ăn quả gắn với địa danh thôn Múc, xã Thái Niên và đã sớm được Hợp tác xã bưởi Múc xây dựng thành sản phẩm OCOP và được chứng nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Mỗi quả bưởi Múc mà hợp tác xã đưa ra thị trường đều gắn 3 loại nhãn: Nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tem sản phẩm OCOP. Sau khi xây dựng thương hiệu, quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, hợp tác xã đã tham gia liên kết tiêu thụ bưởi cho người dân với điều kiện quả bưởi đạt yêu cầu về mẫu mã, chất lượng cũng như đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Với nỗ lực của chính quyền địa phương, hợp tác xã và người dân tham gia liên kết sản xuất, những năm qua, sản phẩm bưởi Múc ngày càng khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường. Năm 2021, những nỗ lực đó đã góp phần “thăng hạng” cho thương hiệu bưởi Múc khi sản phẩm này được công nhận đạt 4 sao cấp tỉnh.
Tương tự, là một trong những hợp tác xã tiên phong tham gia chương trình OCOP, những năm qua, Hợp tác xã nông sản dược liệu Mạnh Hương không ngừng phấn đấu tăng số lượng sản phẩm được chứng nhận. Hợp tác xã đang sở hữu 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm tinh bột nghệ viên hoàn mật ong, tinh bột nghệ đen, tinh bột nghệ nếp và bột sắn dây. Hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để xây dựng thêm sản phẩm trà bí đao trở thành sản phẩm OCOP.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã nông sản dược liệu Mạnh Hương cho biết: Hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh 13 sản phẩm dược liệu, trong đó có 4 sản phẩm đã được chứng nhận đạt sao và 1 sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn thiện để được chứng nhận. Khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, đồng nghĩa với chất lượng thương hiệu của chúng tôi ngày càng được khẳng định, người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng hơn. Mục tiêu của hợp tác xã là tiếp tục đưa những sản phẩm đang sản xuất, kinh doanh thành sản phẩm OCOP, phấn đấu mỗi năm có thêm 1 sản phẩm đạt sao.
Cũng theo anh Mạnh, để được chứng nhận đạt sao OCOP, các sản phẩm của hợp tác xã trải qua nhiều quá trình thẩm định, đánh giá của các cơ quan chuyên môn. Bởi vậy, hợp tác xã luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đúng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP đều là sản phẩm có sự tham gia liên kết sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp chương trình này có những tác động tích cực tới cộng đồng.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần khẳng định, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo thêm cơ hội, tăng sức cạnh tranh cho nông sản của Bảo Thắng. Từ nay đến hết năm 2025, huyện Bảo Thắng phấn đấu có 40 sản phẩm được chứng nhận.
Tiếp tục thực hiện chương trình OCOP, huyện Bảo Thắng đang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu sản phẩm đã được chứng nhận, đồng thời xây dựng phương án phát triển sản phẩm mới. Để tạo cơ sở thực hiện chương trình, ngành nông nghiệp sẽ phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP. Cùng với đó, việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tiêu thụ… cũng được triển khai nhằm phát huy hiệu quả từ chương trình.