Khẳng định hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Zaventem (Bỉ). Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian, song chế phẩm này vẫn có thể giúp ngăn bệnh tiến triển nặng ở những bệnh nhân mắc COVID-19, qua đó giảm nguy cơ phải nhập viện.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong báo cáo được công bố ngày 30/8, Viện Y tế công cộng của Bỉ (Sciensano) cho biết với đặc điểm dễ lây lan, biến thể Delta cũng có khả năng kháng lại các loại vắc xin cao hơn các biến thể khác.

Tuy nhiên, ngay cả khi có sự khác nhau về mức độ bảo vệ của vắc xin tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng (vắc xin mRNA dường như hiệu quả hơn một chút so với vắc xin dựa trên cơ chế vector adenovirus), vắc xin vẫn phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển nặng khi mắc COVID-19.

Theo số liệu của các cơ quan y tế Mỹ, 90% trường hợp nhập viện hoặc tử vong xảy ra ở những bệnh nhân không được tiêm chủng đủ liều. Ở Bỉ, chỉ 2,5% số người nhập viện kể từ tháng Một năm nay đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Dữ liệu mới nhất của Sciensano còn cho thấy khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng cũng thấp hơn nhiều, từ 52% đến 62%. Đối với các trường hợp đã tiêm chủng, nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp đã tiêm chủng và nhiễm bệnh vẫn có khả năng lây lan bệnh cho người khác tương tự những người đã mắc bệnh mà không tiêm phòng. Đó cũng là lý do mà giới chức y tế Bỉ quyết định kể từ ngày 1/9, tất cả những người tiếp xúc có nguy cơ cao, kể cả những người đã được tiêm chủng đủ liều, sẽ phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.

Theo các chuyên gia y tế Bỉ, những người bị suy giảm miễn dịch (khoảng 400.000 người ở Bỉ) sẽ cần tiêm mũi vắc xin tăng cường để kích thích hệ miễn dịch. Điều này cũng có thể được áp dụng đối với những người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn.

Tuy nhiên, với dân số nói chung, vấn đề này chưa được xem xét. Giáo sư miễn dịch học Michel Moutschen thuộc Đại học Lìege của Bỉ cho rằng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cho toàn dân là cồng kềnh và tốn kém, đặc biệt khi lợi ích của biện pháp này chưa được xác định.

Về thời gian bảo vệ của vắc xin, một nghiên cứu của Anh, được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập từ khoảng 1 triệu người dùng ứng dụng Zoe Covid, cho thấy 1 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, vắc xin của Pfizer có thể đạt hiệu quả phòng bệnh là 88%, nhưng khả năng bảo vệ này giảm xuống còn 74% sau 5 đến 6 tháng.

Đối với vắc xin của AstraZeneca, hiệu quả giảm từ 77% một tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 xuống còn 67% sau 4 đến 5 tháng. Mặc dù vậy, những tỉ lệ này vẫn được đánh giá tích cực.

Trong khi đó, một nhà miễn dịch học khác tại Đại học Lìege cũng nhấn mạnh rằng nếu mức độ kháng thể do vắc xin tạo ra giảm theo thời gian, điều đó không có nghĩa là cơ thể không có khả năng phòng vệ. Các tế bào bộ nhớ rất nhanh chóng sản xuất ra những kháng thể mới song với tốc độ chậm, đồng nghĩa virus vẫn sẽ lây lan đến màng nhầy.

Tuy nhiên, tuyến phòng thủ thứ 2 đã sẵn sàng. Điều này lý giải tại sao vắc xin có thể giúp ngăn bệnh tiến triển nặng một cách hiệu quả và phần lớn các trường hợp mắc bệnh sẽ có ít triệu chứng.

Trong diễn biến khác, ngày 31/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, theo đó chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tỉ lệ tử vong trong đợt bùng phát lớn nhất ở bang Victoria vào năm 2020 và làn sóng biến thể Delta hiện đang tấn công bang New South Wales.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trao đổi với báo giới, Thủ tướng Morrison cho biết tỉ lệ tử vong ở bang Victoria trong đợt bùng phát dịch năm ngoái là 4,3%, khi chưa có vắc xin ngừa COVID-19. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong hiện nay ở bang NSW chỉ là 0,4%, khi có cùng số ca mắc COVID-19 và tỉ lệ người dân từ 16 tuổi trở lên đã tiêm chủng đủ liều là hơn 36%.

Thủ tướng Morrison cũng khẳng định ông ủng hộ kế hoạch cho phép người dân Úc trở về từ nước ngoài được cách ly tại nhà khi 70% dân số được tiêm chủng đủ liều. Hiện việc cách ly tại nhà đang được thực hiên thí điểm tại bang Nam Úc. Tuy nhiên, ông Morrison cảnh báo một số biện pháp hạn chế sẽ cần được duy trì, ngay cả khi Úc đạt được mốc tiêm chủng 80%.

Thủ tướng Morrison cũng thông báo Úc sẽ tiếp nhận 500.000 liều vắc xin của Pfizer từ Singapore trong tuần này. Đổi lại, Úc cũng sẽ cung cấp số vắc xin tương tự cho Singapore vào cuối năm nay. Thỏa thuận trao đổi vắc xin này sẽ cho phép Úc đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Cùng ngày, chính quyền thủ đô Canberra của Úc đã gia hạn lệnh phong tỏa nghiêm ngặt thêm 2 tuần trong bối cảnh thành phố này đang nỗ lực kiểm soát số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng mạnh. Theo đó, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sẽ được duy trì cho tới ít nhất ngày 17/9.

Thủ đô Canberra đã áp dụng lệnh phong tỏa trong 3 tuần sau khi phát hiện một loạt trường hợp mắc mới COVID-19 được cho là lây lan từ bang New South Wales, tâm chấn của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất ở Úc.

Ngày 31/8, Canberra ghi nhận 13 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Trong khi đó, bang New South Wales có thêm 1.164 ca mắc mới, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 1.290 ca ghi nhận một ngày trước đó. Bang Victoria, cũng đã trải qua 5 tuần phong tỏa, cùng ngày ghi nhận 76 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng nhẹ so với 73 ca được báo cáo 1 ngày trước đó. Thủ hiến bang Victoria Dan Andrews cho biết hiện vẫn còn quá nhiều người chưa tiêm chủng để có thể nới lỏng các biện pháp chống dịch. Tới nay, Úc đã ghi nhận gần 54.000 ca mắc COVID-19 và 1.006 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm ngoái.

Cùng ngày, hãng Reuters đưa tin Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết tạp chất lạ được phát hiện trong vắc xin của Moderna ở tỉnh Okinawa nhiều khả năng do kim tiêm bị kẹt trong ống vắc xin. Ngày 29/8 vừa qua, Nhật Bản đã đình chỉ sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna ở tỉnh Okinawa, miền nam nước này sau khi phát hiện các chất lạ trong lọ vắc xin và ống tiêm.

Bộ Y tế Nhật Bản sau đó cho biết các trường hợp này có thể do cắm kim tiêm vào lọ không đúng cách, làm vỡ phần chặn bằng cao su của các lọ vắc xin. Trong khi đó, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cũng khẳng định lô vắc xin ngừa COVID-19 vừa bị đình chỉ sử dụng ở Nhật Bản không liên quan đến an toàn hay hiệu quả của vắc xin.

Ngày 31/8, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 của Indonesia, ông Wiku Adisasmito cho biết Indonesia thành lập Nhóm đặc trách giám sát thực hiện quy định y tế 3M (đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay), còn gọi là Nhóm đặc trách 3M, trong bối cảnh nước này dần nới lỏng các lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại nhiều nơi.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời ông Wiku cho hay Nhóm đặc trách 3M được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện các quy định phòng dịch của người dân tại nơi công cộng, góp phần tiếp nối các nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát làn sóng COVID-19 mới và gia tăng miễn dịch cộng đồng.

Theo đó, nhóm này sẽ giám sát việc thực hiện 3M tại các cơ sở công cộng sau khi kết thúc lệnh PPKM tại một số nơi. Cụ thể, Nhóm đặc trách 3M sẽ thực hiện định kỳ các hoạt động phòng chống dịch như thiết lập và giám sát các chốt kiểm soát, phun khử khuẩn thường xuyên và kiểm tra sức khỏe tại chỗ (đo nhiệt độ, sát khuẩn, quét mã vạch trong ứng dụng CareProtect).

Ngoài ra, Nhóm đặc trách 3M sẽ huấn luyện tại chỗ thông qua giám sát việc triển khai thực hiện các quy trình y tế cho từng nhóm đối tượng tại các cơ sở công cộng (cán bộ, công nhân, doanh nghiệp, du khách...). Việc xử phạt vi phạm sẽ do chính quyền khu vực và cơ quan quản lý các cơ sở công cộng xem xét áp dụng chế tài phù hợp.

Dự kiến, Nhóm đặc trách 3M tại các cơ sở công cộng sẽ thành lập 11 nhóm hoạt động cộng đồng, gồm nhóm các hoạt động kinh tế và mua sắm, giải trí và thể thao, các hoạt động cung cấp chỗ ở, dịch vụ y tế, giao thông vận tải, việc làm, giáo dục, xã hội, thực thi pháp luật, năng lượng và môi trường, tôn giáo.

Nhóm đặc trách 3M đặt dưới sự quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả của Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 địa phương. Thành phần gồm các nhà quản lý/cán bộ tại các cơ sở cộng đồng, các hiệp hội và Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 địa phương. Nguồn kinh phí hoạt động có thể sẽ từ ngân sách của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và các khoản tài trợ.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263371/khang-dinh-hieu-qua-cua-vac-xin-trong-ngan-ngua-benh-tien-trien-nang.html