Khẳng định một Việt Nam chân thành, cởi mở, nhìn xa và sát thực tế
Theo đặc phái viên TTXVN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Trong chuyến công tác kéo dài 4 ngày tại quốc gia được mệnh danh là "Châu Á thu nhỏ”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có lịch trình hoạt động dày đặc với hơn 40 hoạt động rất phong phú, đa dạng, cả song phương và đa phương, để lại dấu ấn rõ nét về một Việt Nam chân thành, cởi mở, nhìn xa và sát thực tế.
Việt Nam có vị trí đặc biệt trong tái tim người dân Malaysia

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Là Thủ tướng Việt Nam đến Malaysia sau 10 năm và là chuyến thăm Malaysia đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, cũng là Đối tác Chiến lược toàn diện duy nhất của Malaysia ở châu Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính được các bạn Malaysia đón tiếp trọng thị, nồng hậu, thân tình, vì như Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định, Việt Nam là người bạn thân thiết, có vị trí đặc biệt trong trái tim ông và người dân Malaysia. Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam và Malaysia là hình mẫu hợp tác trong ASEAN.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ có các cuộc hội đàm, hội kiến hết sức cởi mở, hiệu quả với Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện của Malaysia. Hai bên thống nhất triển khai cụ thể Chương trình Hành động giai đoạn 2025-2030, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện hai nước ngày càng sâu sắc hơn.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh; tiến tới thành lập cơ chế trao đổi thường niên, linh hoạt giữa Lãnh đạo Cấp cao hai nước; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng; tạo thuận lợi xuất - nhập khẩu các mặt hàng hai bên có tiềm năng, thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định và lâu dài cho Malaysia, đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhấn mạnh không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia; thúc đẩy hợp tác biển và đại dương; làm mới các hiệp định hợp tác hàng không và du lịch; tăng cường tần suất chuyến bay; đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân.
Tiến sĩ Oh Ei Sun, Cố vấn cao cấp Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Malaysia, đánh giá, chỉ trong vòng một năm sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ hai nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang học tại các trường đại học ở Malaysia; quan hệ thương mại song phương cũng đang trên đà phát triển; hai nước phối hợp hiệu quả, cùng đóng góp tích cực cho sự phát triển của ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Xác định kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Chương trình gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam - Malaysia, làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Malaysia để thúc đẩy hợp tác, đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.
Thông tin về chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả để sớm bắt kịp, tiến cùng và tham gia dẫn dắt các vấn đề chung, vì lợi ích của tất cả các bên. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Malaysia và các nước tiếp tục hợp tác, đầu tư vào Việt Nam; đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết nỗ lực cải thiện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Dato' Soh Thian La, Chủ tịch Liên đoàn Nhà sản xuất Malaysia, cho biết trong cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ và rõ ràng là phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Malaysia và Việt Nam; cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước trong đầu tư kinh doanh. Ông cho rằng với chính sách cởi mở, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quỹ đạo tích cực, tăng trưởng tốt hơn nhiều trong tương lai. Kim ngạch thương mại giữa Malaysia và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và sớm đạt 20 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc Điều hành và Đồng sáng lập Tập đoàn Grab Anthony Tan. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Với định hướng và cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bền vững tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Điều hành và là đồng sáng lập Tập đoàn Grab, ông Anthony Tan bày tỏ cảm kích với chương trình hành động và ưu tiên về thúc đẩy chuyển đổi số, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thực hiện.
Ông Anthony Tan bày tỏ vinh dự được là một trong những nhà đầu tư vào Việt Nam, được phục vụ người dân Việt Nam và rất hào hứng với tương lai của Việt Nam; cam kết hợp tác lâu dài với Việt Nam, nhất là trong phát triển AI và các sản phẩm AI để phục vụ người dân Việt Nam.
Thăm và phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaysia, cũng như thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, quan hệ Việt Nam - Malaysia bền về chính trị, mạnh về kinh tế, sâu sắc về văn hóa, sâu rộng về tầm nhìn, chung mục đích là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và vì tương lai hạnh phúc của người dân. Do đó, người dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, cần giữ gìn, phát huy, tăng cường kết nối, đoàn kết, chung sức vì sự phát triển của mỗi nước và vì mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Malaysia.
Việt Nam đề xuất nhiều ý tưởng mới, táo bạo, rất thực tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Kinh tế ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và Trung Quốc, cũng như hầu hết các hoạt động liên quan như: dự đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA); đối thoại với Thanh niên ASEAN; đối thoại với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và nhiều hoạt động liên quan khác.
Thủ tướng và đoàn Việt Nam đã góp phần vào thành công tốt đẹp của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan. ASEAN đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta” và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng 4 chiến lược về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối. Đặc biệt, các thành viên ASEAN nhất trí kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 của ASEAN vào tháng 10 tới.
Tập trung vào chủ đề chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN 46 là “Bao trùm và Bền vững”, phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp xuyên suốt của Việt Nam là chủ động, trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung của ASEAN; đồng thời mong muốn cùng các nước thành viên định hình các định hướng chiến lược và biện pháp cụ thể để củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng hợp tác khu vực, đồng thời nâng tầm vị thế của Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ “5 hơn”: đoàn kết hơn, tự cường hơn, chủ động hơn, bao trùm và bền vững hơn. Đồng thời đề xuất 3 trọng tâm, trong đó: ASEAN cần tái định hình tư duy phát triển theo hướng lấy bao trùm làm nền tảng, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực và lấy bền vững làm đích đến; tiếp tục phát huy vai trò kết nối và mở rộng liên kết vượt ra ngoài khu vực, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng; giữ vững vai trò trung tâm và nâng cao năng lực tự cường khu vực.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục là một thành viên trách nhiệm, tích cực và chủ động, sẵn sàng cùng ASEAN kiến tạo một Cộng đồng “đoàn kết hơn, tự cường hơn, chủ động hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn” cho hôm nay và cả mai sau.
Vì vậy, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết ông gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này và các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính rất đáng chú ý, luôn có những ý tưởng mới rất hay, rất thực tế, nhất quán về mặt bản chất và khả năng đóng góp của Việt Nam.
Tổng Thư ký Kao Kim Hourn cho rằng với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã đóng một vai trò lớn để hỗ trợ vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 cũng như hỗ trợ chung xây dựng Cộng đồng ASEAN và tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN. Ông nhấn mạnh “Việt Nam đóng vai trò rất tích cực giúp đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với các đối tác bên ngoài ASEAN”.
Về phần mình, Tiến sĩ Oh Ei Sun, Cố vấn cao cấp Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Malaysia, đánh giá, chỉ trong vòng 20-30 năm, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, từ vị trí bên lề của ASEAN trở thành một thành viên trung tâm, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực. Điều này cho thấy ASEAN cần tạo điều kiện để tất cả các thành viên, dù phát triển chưa đồng đều, đều có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả. Lấy Việt Nam làm ví dụ, các quốc gia kém phát triển hơn trong ASEAN hoàn toàn có thể vươn lên nếu được hỗ trợ từ các nền kinh tế mạnh hơn trong hiệp hội.

Hội nghị Cấp cao Kinh tế ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - Trung Quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại các Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC và ASEAN - GCC và Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xây dựng mô hình hợp tác liên khu vực thế hệ mới, kiến tạo không gian hợp tác chiến lược liên khu vực, vì một tương lai thịnh vượng, bao trùm và bền vững cho tất cả các nước; đặt trọng tâm vào hợp tác thương mại, đầu tư và liên kết chuỗi cung ứng; thúc đẩy kết nối liên khu vực thành một cơ chế hợp tác kinh tế ba bên toàn diện.
Tiến sĩ Munir Majid, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân ASEAN. cho rằng Việt Nam là thành viên rất quan trọng của ASEAN. Do đó bất kỳ sáng kiến nào của Việt Nam cũng được đánh giá cao. Những nội dung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này là rất mạnh mẽ và rõ ràng nhằm đảm bảo nền kinh tế mở của ASEAN và Việt Nam được thúc đẩy phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ hơn nhờ nhiều cải cách và cởi mở, khuyến khích sáng kiến, khuyến khích sử dụng công nghệ, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Tiến sĩ Munir Majid, những cải cách đang diễn ra từng bước như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói để đảm bảo rằng kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt rồi, phải phát triển tốt hơn nữa. Những bài học thành công của Việt Nam cần được chia sẻ và các nước sẵn sằng chia sẻ với Việt Nam để cùng thành công.
Một trong những nội dung được Thủ tướng thường xuyên kêu gọi đó là kết nối các nền kinh tế bao gồm kết nối cứng, kết nối mềm, kết nối hạ tầng, kết nối du lịch, văn hóa… Và ngay bên lề hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về việc xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore thông qua tuyến cáp ngầm, bổ sung nguồn điện và hệ thống lưu trữ để bảo đảm tính ổn định năng lượng, thể hiện quan điểm của Việt Nam “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả thực tế”. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Malaysia về kết nối hạ tầng điện giữa hai nước.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, việc Việt Nam và các bên ký kết hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mở ra một hướng hợp tác mới, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng như hiện nay. Với sự tích cực của các nước ASEAN hướng tới nền kinh tế phát triển chung và với tầm nhìn rộng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc kết nối lưới điện các nước sẽ tận dụng được tối đa tài nguyên của mỗi nước cũng như tạo được liên kết lưới điện trong khu vực, tạo được sự ổn định cho điện năng của mỗi quốc gia, tận dụng tài nguyên tối đa của mỗi quốc gia, đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng của ASEAN nói chung và của từng quốc gia nói riêng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều nước như: Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia, Quốc vương Brunei, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Timor Leste, Hoàng Thái tử Kuwait, Tổng Thư ký GCC… nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các nước, đối tác đều nêu bật thông điệp coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đánh giá cao chính sách phát triển hài hòa, bền vững và những đột phá chiến lược về thể chế, khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, coi đây là những cơ hội hợp tác và kinh nghiệm rất có giá trị trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Có thể khẳng định, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030, Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; đặc biệt thiết thực thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.