Khẳng định nguồn lực sáng tạo từ Thủ đô di sản
Khẳng định nguồn lực sáng tạo bất tận, kết nối và thúc đẩy cộng đồng sáng tạo phát triển mạnh mẽ là mục tiêu mà Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 hướng tới. Sự kiện được khai mạc vào tối nay (11-11) với quy mô ấn tượng, đem đến cơ hội tham quan, trải nghiệm, tận hưởng không khí lễ hội cho công chúng và du khách, qua đó hiện thực hóa sáng kiến, cam kết của Thủ đô với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO khi ghi danh vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo.
Không khí sáng tạo bao trùm, sôi động
Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022 do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc tổ chức, kéo dài từ ngày 11 đến 20-11. Sự kiện quy tụ gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật… Với chủ đề “Thiết kế và công nghệ”, các hoạt động của lễ hội diễn ra tại nhiều không gian rộng mở, đặc biệt đề cao tính tương tác, giáo dục và kết nối cộng đồng, góp phần tạo nên bầu không khí sáng tạo sôi động, bao trùm, giúp người xem cảm nhận rõ tinh thần sáng tạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá khứ đến hiện tại trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, sau thành công của mùa lễ hội 2021, Lễ hội thiết kế sáng tạo năm nay trở lại với số lượng hoạt động tăng gấp đôi, lan tỏa tới nhiều bảo tàng, di tích, không gian sáng tạo, điểm đến giao lưu văn hóa… trên địa bàn thành phố, qua đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong mỗi người. “Điều đặc biệt, những sáng tạo được trình diễn tại lễ hội đều được lấy cảm hứng từ di sản văn hóa, bắt nguồn từ nguyên liệu truyền thống và tri thức dân gian để hình thành, phát triển, cho thấy văn hóa là “cái nôi” quan trọng nhất của Hà Nội - Thủ đô di sản”, ông Phan Đăng Sơn nói. Có thể kể đến chuỗi các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật - 22 Hàng Buồm; không gian trải nghiệm sáng tạo “Khoe chơi” trên phố Đinh Tiên Hoàng; các không gian: Kiến trúc “Hội nhập”, “Cổng sáng tạo”, “Truyền thống” trải dài trên không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận…, nơi người dân và du khách có thể cảm nhận nền tảng di sản văn hóa quý giá của Hà Nội.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển chuỗi các tác phẩm nghệ thuật đương đại tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật - 22 Hàng Buồm, các hoạt động trưng bày, trình diễn tại đây đều được khai thác chất liệu từ di sản và lịch sử do các cá nhân và nhóm nghệ sĩ đương đại nổi bật thực hiện thông qua thiết kế sáng tạo và công nghệ. Đơn cử như, không gian sắp đặt “Cuộc gặp gỡ xưa và nay” sử dụng 36 chiếc đèn lồng lấy cảm hứng từ tranh dân gian kết hợp kỹ thuật vẽ chì cùng dải chuyển màu đặc trưng của đồ họa, để viết tiếp câu chuyện về một nét văn hóa đặc trưng đã bị quên lãng. Hay bộ tác phẩm “Ngũ hành”, sử dụng kỹ thuật in cyanotype tinh xảo trên chất liệu lụa Á Đông truyền thống...
Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng sáng tạo
Nhằm tôn vinh, quảng bá, khơi dậy nguồn lực thiết kế sáng tạo trên địa bàn thành phố, trong khuôn khổ lễ hội, Ban tổ chức phát động một số cuộc thi thiết kế sáng tạo dành cho các nhà sáng tạo trẻ, nhằm khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc kiến thiết không gian thành phố tương lai, như: Cuộc thi "Ngôi nhà mơ ước"; thiết kế nhanh - bảo tồn và phát huy di sản nhà máy; ảnh cho thanh, thiếu niên “Hà Nội một góc nhìn khác”…; đồng thời, tổ chức trưng bày và trao giải 2 cuộc thi: Thiết kế nghệ thuật công cộng 2022 và “Ngôi nhà mơ ước”.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 tiếp tục khẳng định nguồn lực sáng tạo của Hà Nội bằng cách kết nối các nghệ sĩ, nhà thiết kế sáng tạo, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ...; phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng và tài năng sáng tạo, tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực.
“Qua sự kiện, thành phố Hà Nội kêu gọi tới toàn thể nhân dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO; mong muốn cộng đồng sáng tạo, các nghệ sĩ tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết thông qua các sáng tạo nghệ thuật không ngừng, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững; đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới”, ông Đỗ Đình Hồng nói.